Sự kiện Mỹ - Cuba nối lại quan hệ ngoại giao sau 53 năm được cho là quyết định “rung chuyển thế giới”. Hai nước quyết định sẽ nối lại mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, tuy vậy con đường trước mắt vẫn còn nhiều chông gai.
Theo đúng những điều ông Obama đã cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008, ngày 17/12, hai quốc gia Mỹ và Cuba đã chính thức bình thường hóa quan hệ sau 53 năm gián đoạn. Quyết định này được đưa ra sau 18 tháng đối thoại bí mật liên tục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Những cuộc đối thoại này bắt đầu vào tháng 6/2013, tổng cộng có 9 cuộc đàm phán đã diễn ra tại tòa thánh Vatican và Canada.
Tổng thống Mỹ Obama khẳng định, “Những gì diễn ra trong hơn 50 năm qua cho thấy việc cấm vận không hiệu quả. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận mới”. Còn Chủ tịch Cuba, Raul Castro tuyên bố “Chúng ta nên học cách chung sống với nhau một cách văn minh bất chấp khác biệt” và đồng thời, ông khẳng định sự sẵn lòng đối thoại về những khác biệt sâu sắc giữa hai nước.
Mỹ - Cuba bình thường hóa mối quan hệ sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn
Lệnh cấm vận về kinh tế, thương mại và chính trị lên Cuba do Washington áp đặt Từ năm 1960. Không những thế, năm 1966, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt với những công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Cuba.
Việc nối lại quan hệ ngoại giao của Mỹ đối với Cuba là một động thái nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các quốc gia khác trong khu vực còn lại của châu lục đặc biệt là Venezuela, quốc gia có ảnh hưởng nhiều nhất về mặt kinh tế lên Cuba hiện tại. Thông thường, Venezuela gửi cho Cuba 80.000 -100.000 thùng dầu/ngày. Đổi lại, Cuba cung cấp bác sĩ và thiết bị y tế cho Venezuela. Nhưng thời điểm này, Caracas đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế do sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Điều này dẫn đến Venezuela phải tăng giá dầu đồng thời cắt luôn viện trợ dầu mỏ cho Cuba và một số khu vực. Bức tranh u ám đó khiến Cuba phảo tìm cách thoát ra khỏi cảnh lệ thuộc. Theo các nhà phân tích, đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc Cuba đẩy mạnh việc nối lại quan hệ với Mỹ.
Về phía Mỹ, các quan chức Mỹ cũng hy vọng mối quan hệ mới với Cuba sẽ trợ giúp các nỗ lực của Nhà Trắng trong việc kí kết thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Trước mắt, trong vài tháng tới, chính phủ Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại Hanava, thủ đô của Cuba, đồng thời tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước. Đồng thời, chính quyền Mỹ sẽ nới lỏng thương mại, du lịch và ngân hàng. Theo đó, hàng xuất khẩu của Mỹ sang Cuba sẽ được mở rộng. các công ty Mỹ có thể bán cho Cuba các mặt hàng gồm vật liệu xây dựng nhà riêng, thiết bị nông nghiệp.
Công dân Mỹ đi du lịch tới Cuba cũng sẽ được phép mang đến 400 USD giá trị hàng hóa, trong đó 100 USD được sử dụng cho rượu và thuốc lá. Bên cạnh đó, khách du lịch Mỹ sẽ được phép sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ở Cuba. Các tổ chức của Mỹ sẽ được phép mở tài khoản ở ngân hàng Cuba. Mỹ sẽ mở rộng đối tượng người được phép du lịch đến Cuba. Nếu trước đây chỉ có người được phép du lịch đến Cuba thì bây giờ nhà báo tự do, những người tham gia biểu diễn công cộng, các công nhân kỹ thuật…cũng sẽ được phép làm điều đó.
Các hoạt động viễn thông cũng sẽ được phép thiết lập. Theo đó, Mỹ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cuba; cho phép xuất khẩu phần cứng viễn thông, phần mềm và dịch vụ nhằm tăng khả năng truy cập internet.
Chính quyền Mỹ cũng đang xem xét lại việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho hoạt động khủng bố. Các quan chức Mỹ cũng khẳng định, dù có nhiều khác biệt về dân chủ, nhân quyền nhưng Mỹ - Cuba sẽ hợp tác về các vấn đề như di cư, chống khủng bố và diệt trừ dịch bệnh Ebola.
Nhân dân Cuba vui mừng trước quyết định của ông Obama
Tuy kế hoạch đã được vạch ra kỹ càng, nhưng việc làm này của ông Obama vấp phải sự phản đối của Hạ viện Mỹ. Chủ tịch hạ viện Mỹ, John Boehner gọi việc bình thường hóa mối quan hệ này là “một việc nữa trong một chuỗi hành động thiếu suy nghĩ của ông Obama”. Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cho biết hôm 17/12 rằng, ông sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để ngăn chặn việc sử dụng các nguồn vốn mở sứ quán tại Cuba, và rằng quan hệ bình thường với Cuba là một ý tưởng tồi tại một thời điểm xấu.
Chính vì vậy, việc bình thường hóa mối quan hệ Mỹ - Cuba thực sự là khó khăn khi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Cuba trong hơn 50 năm qua đã được luật hóa và chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền thay đổi.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một đảng viên Cộng hòa gốc Cuba nhấn mạnh ““Quốc hội sẽ không đời nào dỡ bỏ cấm vận”.