Thời hạn giải quyết đơn tố giác tội phạm đã hết, thậm chí văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng đã khá lâu nhưng Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
Dân mong mỏi công lý được thực thi
Ngày 14/8/2019, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có phiếu chuyển đơn số 795/C01-P1 đến Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để giải quyết vụ việc chị Phạm Thị Hằng và 36 công dân ở Thanh Hóa tố cáo Phạm Thị Hương (Nông Cống, Thanh Hóa) lừa đảo đi Đức để chiếm đoạt tài sản.
Vợ chồng Phạm Thị Hương làm việc với những người tố cáo tại Bỉm Sơn
Chị Phạm Thị Hằng (SN 1990, trú tại Khu 6, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho hay: “Vì tin tưởng vào chị Hương mà tôi đã đứng ra giới thiệu, thu tiền của nhiều người đưa cho chị ấy để có thể đi Đức làm việc. Thế nhưng chị Hương lại câu kết với các đối tượng khác để lừa tôi và nhiều người khác để chiếm đoạt tiền. Dù vợ chồng Hương đã hứa trả lại tiền nhưng đến nay bặt vô âm tín, mọi người không thể liên lạc được. Gia đình tôi từ đó lục đục, phải đi đến mức ly hôn. Hàng ngày có nhiều người tới nhà truy trách nhiệm khiến tôi bị trầm cảm. Tôi mong sao cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết sự việc đúng pháp luật, trả lại công bằng cho người dân".
Theo đơn tố cáo của chị Hằng, tháng 4/2017 chị lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa và có quen với Phạm Thị Hương (SN 1988, trú tại xã Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa). Hương tự giới thiệu đang làm bên quản lý thị trường của tỉnh, có bố là Phạm Thanh Bảo sở hữu nhà hàng lớn bên Cộng hòa liên bang Đức. Từ đó chị Hằng và Hương thường xuyên nói chuyện với nhau qua mạng xã hội.
Phiếu chuyển đơn của Bộ Công an
Tháng 10/2018 hai người gặp lại nhau tại một đám cưới ở Bỉm Sơn. Hương lúc này nói đã chuyển công tác ra Trung ương làm việc và nhà hàng bên Đức của bố Hương đang cần người phục vụ với mức lương 60 triệu/tháng. Chị Hằng nghĩ đây là cơ hội tốt để người quen ra nước ngoài lao động nên nhận lời giới thiệu. Hương hứa sẽ đưa 5 người đi qua Đức làm việc, nếu đóng tiền sớm thì 20/2/2019 sẽ bay.
Tất cả hồ sơ, thủ tục đều do Phạm Quang Hạnh (SN 1983, quê Hải Phòng, bạn Hương) giải quyết. Hạnh tiếp tục môi giới có thể đưa người qua Đức làm cơ khí ô tô và điều dưỡng. Sau đó Hương, Hạnh thu tiền và hồ sơ của 32 người, mỗi người phải nộp cho 2 đối tượng này từ 185 đến 243 triệu đồng. Tổng số tiền 37 người nhẹ dạ, cả tin này đưa cho Hương lên tới 7,031 tỷ đồng.
Sau khi có tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng chiêu “câu giờ” với hàng tá lý do như thủ tục cấp visa chậm, chạy bằng B2 tiếng Đức khó khăn để chiếm đoạt tiền. Nhiều lần người dân đòi gắt gao, Hương cùng chồng cam kết trả nợ nhưng đến 28/5/2019 mới trả lại được 2 tỷ đồng, còn nợ hơn 5 tỷ. Vợ chồng Hương thế chấp 3 sổ đỏ ở các nơi nhưng trong đó có 2 sổ giả. Hiện người dân không thể liên lạc được với vợ chồng Hương nên buộc phải gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Biên bản giữa vợ chồng Phạm Thị Hương và người lao động
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật TNHH Trường Lộc) cho biết: Theo quy định của Điều 147, Bộ luật Tố tụng hình sự thời hạn giải quyết đơn tố giác tội phạm được quy định tại thông thường là trong thời hạn 20 ngày (trường hợp phức tạp không quá 2 tháng) kể từ ngày nhận được đơn tố giác, cơ quan điều tra phải tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm tra, xác minh và ra môt trong các quyết định: khởi tố; không khởi tố; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản trả lời công dân là không thực hiện theo quy định của luật.
Hành vi của Phạm Thị Hương có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì trước khi Phạm Thị Hương lấy tiền của các nạn nhân đã nói dối khi giới thiệu là cán bộ, có khả năng đưa được các nạn nhân sang nước Đức để lao động, để các nạn nhân tin tưởng đưa tiền cho Hương. Sau khi bị hại tố cáo, Hương tiếp tục dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa các nạn nhân là mình có khả năng trả lại tiền chứng tỏ người này tiếp tục lừa dối các nạn nhận.
Tài sản đảm bảo trả nợ xử lý ra sao?
Theo Luật sư Tuấn phân tích, trước khi nhận tiền và trong quá trình nhận tiền, vợ chồng chị Hương không thỏa thuận, cam kết dùng tài sản nhà đất của mình để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả tiền nhận của các nạn nhân. Đến khi các nạn nhân tố cáo ra cơ quan công an, vợ chồng Hương mới dùng tài sản của mình để bảo đảm khả năng hoàn trả chỉ là hành vi khắc phục hậu quả.
Cam kết của Nguyễn Hữu Long (chồng Hương)
Việc hứa hẹn hoàn trả được thực hiện sau khi hành vi lừa nhận tiền của các nạn nhân đã được thực hiện xong. Tài sản bảo đảm là nhà đất, do đó theo quy định nếu vợ chồng chị Hương muốn dùng tài sản nhà đất để bảo đảm khả năng trả nợ, hai bên phải lập thỏa thuận bằng văn bản.
Văn bản thỏa thuận phải được công chứng, chứng thực tại đơn vi công chứng hoặc ủy ban có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và giao nhà đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nạn nhân thì các nạn nhân mới có quyền phát mại để thu hồi tiền theo quy định của pháp luật. Văn bản cam kết được ký giữa vợ chồng Hương với các nạn nhân không được công chứng, chứng thực theo quy định. Do đó, các nạn nhân không được phép tự bán đấu giá để thu hồi tiền.
Trong khi những người dân chân lấm tay bùn đang cùng quẫn trong cảnh nợ nần, cơm áo gạo tiền thì kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền mồ hôi, nước mắt của họ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Người dân vẫn mong ngóng, chờ đợi cơ quan điều tra vào cuộc một cách tích cực, công tâm để công lý được thực thi.