Ngành Dầu khí mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong các bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Chính phủ, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nền móng cho sự phát triển
“Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…” đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu lửa Bacu-Adecbaigian vào ngày 23/7/1959 đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Công nghiệp dầu khí Bacu
Ngay sau chuyến thăm Bacu, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí. Nhiều cán bộ đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô cũng như các nước XHCN để học các chuyên ngành về dầu khí. Liên Xô cũng đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệp giúp Việt Nam nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam mang tên “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Trên cơ sở đó, Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 đã được thành lập ngày 27/11/1961. Thời gian dài do chiến tranh, với bao khó khăn thiếu thốn, hiểm nguy của bom đạn, nhưng công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn được triển khai ở đồng bằng Bắc Bộ. Phải sau 15 năm chúng ta mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải, Thái Bình với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỷ m3, cung cấp nhiều thông tin quý giá về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ, chưa đầy 3 tháng sau, dựa trên đánh giá tiềm năng lớn ở thềm lục địa Việt Nam, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của ngành Dầu khí Việt Nam.
Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay) với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, mở rộng hợp tác quốc tế … Nhiều hợp đồng dầu khí được ký kết để tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Nhưng do cấm vận và đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn hoạt động tìm kiếm, thăm dò, các công ty tư bản đã chấm dứt hợp đồng thăm dò dầu khí.
Với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô trong đó có việc liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác Dầu khí trên một số lô ở thềm lục đại phía Nam Việt Nam. Những thành quả đầu tiên của chính sách đó là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro; là các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn. Và đặc biệt tháng 6 năm 1986 tấn dầu đầu tiên khai thác từ mỏ Bạch Hổ ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và sản xuất dầu thô thế giới.
Năm 1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới.
Ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.
Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, Ngành dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh, đặt nền móng cho công nghiệp hóa dầu với các hệ thống đường ống dẫn khí, nhà máy chế biến Đạm, giúp Việt Nam chủ động các nguyên liệu đầu vào cơ bản của nền kinh tế.
Năm 2006, Bộ Chính trị ra kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, cùng với việc phê duyệt thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam của Chính phủ ngành Dầu khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới.
Hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử theo ý nguyện của Bác Hồ - hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – công nghiệp điện, chế biến và dịch vụ dầu khí; Với sự ra đời các trung tâm sản xuất điện như Nhơn Trạch, cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất, hệ thống căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu… Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước. Những dự án công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ ràng cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác; Vận chuyển; Chế biến; Tồn trữ; Phân phối; Dịch vụ và Xuất nhập khẩu. Trong đó Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài; xây dựng Petrovietnam giữ vai trò chủ đạo trong của kinh tế nhà nước, có vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ
Ngày 16/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, tạo ra một khuôn khổ pháp lý quan trọng đảm bảo cho ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ và ổn định theo hướng hiện đại, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thấy rằng: Ngành Dầu khí mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong các bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Chính phủ, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn cực kỳ ác liệt, Đảng đã cho phép lựa chọn nhưng học sinh giỏi, có phẩm chất tốt đưa đi đào tạo ở những nước có nên công nghiệp dầu khí phát triển như Liên Xô, Rumani, Algeri…Nhưng lớp cán bộ đầu tiên này sau đã trở thành nòng cốt cho ngành dầu khí.
Sau khi Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, trước yêu cầu cấp bách về phát triển ngành dầu khí, Đảng đã điều các đơn vị quân đội ưu tú nhất, các tướng lĩnh giỏi về xây dựng ngành dầu khí.
Cho tới nay, nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí không thể nào quên vào thời điểm những năm từ 1986 đến 1988, Liên doanh Vietsovpetro lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì mọi kế hoạch thăm dò, khai thác bị phá sản do vấp phải các vấn đề kỹ thuật…Nhưng lãnh đạo Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần động viên, khích lệ cán bộ kỹ sư dầu khí, là tiền đề để đưa tới thành công của Liên doanh Vietsovpetro.
Giai đoạn 2015 đến nay, Ngành Dầu khí đã đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu biến động rất khó lường, các yếu kém trong công tác quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra giám sát chưa hiệu quả … Trong bối cảnh đó, người lao động Dầu khí vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2018, để ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động dầu khí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa chúc mừng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Quyết chí, quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.
Xứng đáng với những sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhân dân, nhiều thế hệ người Dầu khí đã nỗ lực với tinh thần vượt khó cao nhất “Tìm dầu để làm giàu cho tổ quốc”. Sự khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích sự sáng tạo, nỗ lực vượt mọi gian nan, thử thách trong những người lao động dầu khí.
Những con số về tài sản, doanh thu và nộp ngân sách nhà nước là minh chứng rõ rệt nhất cho những đóng góp không biết mệt mỏi của những người lao động dầu khí: Chỉ tính riêng từ khi bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế năm 2006, tổng tài sản của Tập đoàn ước gần 147.000 tỷ đồng, thì đến đến 30/6/2019, con số này tăng 5,6 lần là trên 829.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỷ đồng năm 2006, đã đạt hơn 466.000 tỷ đồng năm 2019 tăng 4,75 lần.
Từng giai đoạn, PVN luôn đóng góp trung bình từ 10 – 20% ngân sách nhà nước; khai thác trên 391 triệu tấn dầu thô, trên 143 tỷ m3 khí. Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa...
Tập đoàn và một số tập thể đã vinh dự được Đảng và nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động cùng hàng chục ngàn lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng các huân – huy chương, bằng khen và danh hiệu thi đua các cấp.