Các điều kiện tổng quan của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng cường trong tháng 5 nhờ sự cải thiện của nhu cầu đặt hàng. Đáng chú ý, sản lượng gia tăng tháng thứ 8 liên tiếp trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của số đơn đặt hàng mới.
HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ nhu cầu trong nước
Bên cạnh đó, xuất hiện thêm một số chứng cứ cho thấy các quy định mới về vận chuyển đã tác động đến lĩnh vực sản xuất, với thời gian giao hàng của các nhà cung cấp kéo dài lên mức kỷ lục và giá đầu vào tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp lên cao nhất kể từ tháng 3/2012. Trong khi đó, các nhà sản xuất gần như giữ nguyên giá đầu ra trong tháng qua.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 52.5 trong tháng 5. Dù kết quả này thấp hơn so mức kỷ lục 53.1 trong tháng 4 nhưng vẫn phát đi tín hiệu về sự cải thiện của các điều kiện hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Theo đó, số đơn đặt hàng mới ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 6 liên tiếp trong tháng 5 vừa qua, chỉ hơi nhẹ hơn so với đà mở rộng kỷ lục trong tháng 4. Theo các thành viên nhóm khảo sát, sự cải thiện của các điều kiện kinh tế đã góp phần nâng cao nhu cầu từ phía khách hàng. Số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trưởng trong tháng 5 nhưng với tốc độ khá nhẹ.
Nhận định về PMI tháng 5 của Việt Nam, Chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC, Trinh Nguyễn cho biết: “Số liệu PMI mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất Việt Nam khá cạnh tranh với sự mở rộng hơn nữa của các hoạt động trong ngành, dù với tốc độ chậm hơn”.
“Mối lo ngại thực sự nằm ở chi phí đội thêm đối với các nhà sản xuất trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đã gánh chịu chi phí hậu cần cao. Biên lợi nhuận đang bị thu hẹp vì nhu cầu nội địa yếu kém đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc nâng giá đầu ra bất chấp chi phí sản xuất gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ nhu cầu trong nước”, bà Trinh cho biết.
Phước Phạm (Theo HSBC)