Phụ huynh không nên hoang mang về bệnh viêm gan “bí ẩn”

17/05/2022 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước thông tin bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện trên thế giới, nhiều phụ huynh nghi ngờ con mắc bệnh lý về gan đã chủ động đến bệnh viện để được thăm khám. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, phụ huynh không nên quá lo lắng khi chưa thấy con mắc các biểu hiện của bệnh viêm gan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, có ít nhất 450 trẻ mắc viêm gan “bí ẩn” tại 23 quốc gia, bệnh đã xuất hiện ở Đông Nam Á, tại nước láng giềng Indonesia đã ghi nhận 5 ca tử vong. 

Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra.

viem-gan-bi-an.jpeg
Các giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn này hiện nghiêng về phía virus Adeno

Kể từ khi WHO thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, ngành y tế luôn luôn theo dõi sát tình hình thế giới. Bộ Y tế đã liên tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Bộ cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị.

ThS.BSCK2 Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh được đưa ra. Giả thuyết có khả năng nhất cho là liên quan đến Adenovirus, nhưng vẫn chưa loại trừ căn nguyên virus khác, hoặc thậm chí là loại virus mới.

Các xét nghiệm trong tuần qua xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với Adenovirus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Cơ chế bệnh sinh cũng chưa rõ ràng, để có kết luận chính xác, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà chuyên môn đang nỗ lực tìm nguyên nhân.

Từ những thống kê các ca bệnh đã được ghi nhận thời gian qua, triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc bệnh viêm gan “bí ẩn” là tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Biểu hiện sớm của tình trạng suy gan là chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu.

Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê. Các xét nghiệm có thể cung cấp các chỉ số phản ánh sớm tình trạng tổn thương tế bào gan như tăng men gan hay suy giảm các chức năng của gan.

Tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy có thể do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra, trong đó có cả những nguyên nhân nguy hiểm cần cấp cứu ngay như xoắn ruột, lồng ruột hay tả, lỵ. Vì thế khi trẻ xuất hiện các triệu nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều, cha mẹ cần theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị.

Trong trường hợp có yếu tố hướng tới tình trạng tổn thương gan, các thầy thuốc sẽ chỉ định làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết để đánh giá bệnh nhân có tổn thương gan hay không.

kham.jpeg
Khám, tư vấn cho bệnh nhi tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chia sẻ thêm về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, người dân cần bình tĩnh vì thực tế cho thấy trẻ em ở Việt Nam cũng có tỷ lệ trẻ bị các bệnh lý về gan, có nhiều trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân hoặc có bệnh lý nền chuyển viêm gan, những trường hợp này đối với các bác sĩ là chuyện bình thường. 

Phụ huynh không nên vì quá lo lắng, thấy con có những biểu hiện như: Tiêu chảy, sốt, đau bung là đưa đi khám. Khi thấy trẻ bị vàng da mới nên đưa đi khám và tầm soát bệnh. 

Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải viêm gan bí ẩn, cụ thể trẻ bị vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phụ huynh cần có những điều lưu ý như sau:

Đầu tiên, phải cho trẻ hạn chế vận động, vì nếu đã vàng da do suy gan mà vận động nhiều sẽ dẫn đến gan suy nhanh hơn.

Hai là, cần chú ý đến tất cả loại thuốc uống, đặc biệt là paracetamol. Nếu trẻ sốt, có thể uống paracetamol được nhưng liều lượng vừa phải, chỉ 10 mg trên 1 kg cân nặng của trẻ và lưu ý uống sau 6 tiếng mỗi lần, thì sẽ không ảnh hưởng đến gan. Còn các loại kháng sinh khác phải thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ xem thuốc đó có làm suy hay nguy cơ tổn thương gan hay không.

Theo các bác sĩ, trong bối cảnh hiện nay, người dân đã trải qua một thời gian khá dài của đại dịch Covid-19, ý thức phòng bệnh đã được nâng cao hơn và cần duy trì ý thức, thói quen này. Ngoài ra, với bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…

Ở nhà và ở trường lớp, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời. Nên dạy trẻ duy trì thói quen rửa tay và sát khuẩn tay. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời. Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh không nên hoang mang về bệnh viêm gan “bí ẩn”