Thời gian gần đây, những câu chuyện liên quan đến bạo lực học đường ngày một nhiều, để hạn chế tình trạng đó, Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến khích các trường lắp camera kết nối với công an.
Lắp camera giúp phụ huynh phần nào an tâm
Trước khuyến khích đó của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh tỏ vẻ đồng tình và hưởng ứng. Có con đang theo học cấp 2 ở trường THCS Vĩnh Tuy (Hà Nội), chị Trần Thị Tâm (36 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ: “Đa phần thời gian con ở trường, phụ huynh không thể thường xuyên theo sát cũng như nắm bắt được những việc con làm ở trường. Chính vì vậy, khi lắp camera tại trường, nếu có sự cố nào xảy ra , phụ huynh và nhà trường có thể nắm bắt được, hạn chế những câu chuyện đáng buồn như mấy ngày qua”.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
“Hiện nay, độ tuổi cấp 2 là tuổi thích thể hiện cá tính, có những cháu cá tính mạnh quá nếu không biết kiềm chế cảm xúc của mình có thể các cháu tìm đến bạo lực”, chị Tâm nhấn mạnh thêm.
Cùng với tâm trạng như chị Tâm, chị Nguyễn Thị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi ủng hộ các trường lắp camera, thậm chí phụ huynh có thể chung tay vào lắp cùng với nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta chỉ lắp ở sân trường, lớp học, hành lang để theo dõi được các hoạt động ngoài giờ của các con hoặc kiểm soát được nếu có “người lạ đột nhập” ….”.
Chị Mai tâm sự thêm: “Mới đây, một nhóm học sinh cấp 2 đánh nhau, sau đó tung clip lên mạng xã hội vô cùng phản cảm, như vậy vô hình chung các con đang tạo ra một vết nhơ không đáng có. Nên tôi cũng mong có camera ở trường và phụ huynh có thể can thiệp sớm những mầm mống bạo lực không đáng có”.
Học sinh, giáo viên nói gì về lắp camera
Chia sẻ cùng phóng viên trước khuyến nghị của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc lắp camera tại trường học, một lãnh đạo của trường THPT Thạch Thất, Hà Nội đồng tình khi cho rằng, lắp camera trong khuôn viên sân trường rất cần thiết và giúp lãnh đạo trường cảm thấy yên tâm hơn.
“Hiện trường chúng tôi mới chỉ lắp camera an ninh ở bên ngoài, chưa đủ kinh phí để lắp bên trong. Tuy nhiên, đây là điều cần phải nghĩ đến để có hướng thực thi trong năm học này, đặc biệt nếu kết nối với lực lượng công an phường, xã thì càng yên tâm hơn", vị lãnh đạo nói.
Phụ huynh mong muốn việc lắp camera ở trường học giúp hạn chế tình trạng bao lực học đường ngay chính trong trường. Ảnh minh họa, cắt từ clip.
Tuy nhiên, nhiều học sinh cho rằng, khi lắp camera sẽ làm cho mình cảm thấy như bị kiểm soát và không được thoải mái lắm. Em Nguyễn Văn Toàn (THPT Lê Qúy Đôn, Hà Nội) chia sẻ: “Nói chung, em cảm thấy nếu lắp ở hành lang, sân trường thì không sao. Tuy nhiên, lắp trong lớp học thì em cảm thấy không thoải mái lắm”.
Chia sẻ lý do không thoải mái Toàn cho rằng: “Thực sự giờ bọn em cấp 3 rồi, bọn em luôn cần sự tin tưởng từ gia đình và nhà trường, bởi vậy, nếu lắp camera không khác gì chúng em đang bị kiểm soát và thiếu sự tin tưởng”.
Bên cạnh khuyến khích các trường lắp camera, nhằm hạn chế bạo lực học đường, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, anh ninh trường học và xây dựng phương án phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục.
Thực hiện tốt quản lý trường học, tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh của giáo viên, vai trò của phòng tư vấn tâm lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội, Hội, tập thể lớp trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, lành mạnh cho học sinh.
Phòng chống xâm hại thân thể, sử dụng chất gây nghiện, phòng chống tác hại của thuốc lá, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng tránh nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông, an toàn thực phẩm trong trường học.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với địa phương theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của quán hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến… có biểu hiện mất an ninh, trật tự ở khu vực gần trường.