Mặc dù trong quyết định phê duyệt dự án chỉ cho phép người dân xây dựng nhà tạm để trông coi sản xuất, nhưng rất nhiều hộ đã dựng nhà kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp.
Được biết, năm 2004, xã Quang Hưng có 50 hộ dân được phê duyệt dự án chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ở vùng trũng sang làm theo mô hình vườn ao chuồng (VAC). Trong quyết định cũng có những tiêu chí hết sức cụ thể và cho phép người dân chỉ được làm nhà tạm trên diện tích đất chuyển đổi để trông nom, bảo vệ phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian sử dụng đất của dự án được phê duyệt.
Diện tích được “phê duyệt để làm nhà tạm trông coi từ 10 đến 20 mét vuông tùy vào quy mô từng hộ…”. Tuy nhiên thời gian trôi qua, rất nhiều ngôi nhà kiên cố, vượt quá mức quy định mọc lên trên những diện tích đất được phê duyệt làm mô hình kinh tế vườn ao chuồng.
Công trình nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ có việc này là do diện tích được cho phép quá nhỏ để xây dựng nhà tạm. Người dân cho rằng đó là bất cập ngay từ khi mới xây dựng dự án, bởi trong quá trình làm ăn, theo thời gian quy mô sản xuất phát triển, mở rộng, mỗi hộ có lượng gia súc, gia cầm lên cả hàng nghìn con, diện tích cây lâu năm, rau củ quả hàng nghìn cây..., chính vì quy mô được mở rộng, nhu cầu lao động ngày càng lớn hơn, những ngôi nhà tạm từ 10 – 20m² là không đủ cho nhu cầu sinh sống để trông nom và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Tuy vậy, trong những hộ được phê duyệt thì có tới 30 hộ không được phê duyệt theo chương trình trước đó cũng làm theo mô hình vườn ao chuồng.
Thôn Viên Quang, xã Quang Hưng nằm trong khu vực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng trọt, thả cá và nếu chiếu với quy định thì hầu như hộ nào cũng có công trình xây dựng vi phạm. Nơi đây, được UBND huyện Phù Cừ xác định là “điểm nóng” về vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Chủ trương của tỉnh Hưng Yên về việc này là đúng đắn và kịp thời. Chỉ thị đã được triển khai sâu rộng xuống tận cơ sở là vậy, tuy nhiên với nhiều lí do khác nhau, chính quyền xã Quang Hưng vẫn chưa quyết liệt, có dấu hiệu “nương tay” để nhiều hộ dân tiếp tục xây dựng nhà kiên cố.
Khi được hỏi lý do vì sao, một cán bộ xã lí giải: "Làm kinh tế VAC, việc nhiều như con mọn. Nếu không có người trông nom 24/24h, tài sản đồ đạc sẽ không được đảm bảo. Gọi là nhà, nhưng nó nhỏ xíu như cái bếp nhà người ta chứ nhiều nhặn gì. Tính sơ sơ mỗi công trình khoảng 100 triệu đồng. Người dân xây dựng bằng mồ hôi nước mắt, giờ phá đi ai nỡ".
Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND xã Quang Hưng yêu cầu các gia đình tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi kinh tế nông nghiệp về đúng diện tích quy định là 10 m2, lúc này người dân mới lo lắng tìm cách để giữ lại khối tài sản đã bỏ ra.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng, cho biết: "Tại thôn Viên Quang có gần 30 hộ dân đang sản xuất nông nghiệp, tất cả đều xây dựng nhà ở vượt diện tích quy định. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã xuống các gia đình vận động tự tháo dỡ. Tuy nhiên, chỉ có năm hộ thực hiện, còn lại các hộ phản đối bằng cách chuyển đổi công năng, biến nhà ở thành nơi chăn nuôi gà, lợn".
Nhiều hộ không muốn phá dỡ đã chuyển đổi công năng: nhà ở thành nơi chăn nuôi
Theo ông Sơn, tỉnh yêu cầu tháng 10/2017 phải hoàn tất phá dỡ nhà xây trái quy định, tuy nhiên xã đang chờ chủ trương của tỉnh trong việc xem xét thành lập hợp tác xã tổng hợp ở Viên Quang nhằm tháo gỡ vấn đề nhà tạm cho người dân. Cũng theo vị Chủ tịch này, nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp phải bị tháo dỡ, người dân đã biết điều này, dù muốn hay không người dân buộc phải thực hiện.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lê Trí Viễn, Bí thư Huyện ủy huyện Phù Cừ, Hưng Yên cho biết: "Huyện đã nắm được các sai phạm ở xã Quang Hưng. Về việc này huyện đã vào cuộc thanh, kiểm tra và đã quyết định kiểm điểm mức khiển trách với tập thể Đảng ủy, UBND xã Quang Hưng. Về cá nhân, huyện tiến hành kỷ luật cảnh cáo với Bí thư và Chủ tịch xã Quang Hưng. Vụ việc huyện đã báo cáo, kiến nghị lên UBND tỉnh Hưng Yên. Về lộ trình xử lý với các công trình sai phạm, huyện tiến hành hai giai đoạn, trước hết vận động người dân tự tháo giỡ trong tháng 10 này, giai đoạn hai nếu hộ nào không tự nguyện tháo thì huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định".
Ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Một năm sau, ngày 31/3/2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 93A/KH-UBND đề ra một số chủ trương, giải pháp thực hiện. Cụ thể như: nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện... |