Thế nhưng, hẳn bạn đã từng nghe đến cụm từ “phớt Ăng lê”? Với người Anh, dù trời có sắp sập xuống thì… “yên tâm đi, dù thế nào, tất cả đều vẫn ổn”.
Mối lương duyên giữa nước Anh và EU dù kéo dài đến 4 thập kỷ, nhưng có lẽ đã đến lúc nói lời kết thúc!?
Vào ngày 2/9 tới, nước Anh sẽ có tân Thủ tướng thay cho ông David Cameron, vừa tuyên bố từ chức hôm 24/6, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit được công bố.
Sự lựa chọn của đa số dân Anh dành cho phương án ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) (gần 52%) cho thấy, nguyện vọng của họ đi ngược lại mong muốn của Thủ tướng David Cameron. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự ở lại của ông tại tòa nhà số 10 Downing Street (dinh Thủ tướng Anh) là hoàn toàn vô nghĩa, ít nhất là trong cảm nhận và suy nghĩ của ông.
Châu Âu đang chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu tại một số quốc gia mà có thể “nối gót” Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, chẳng hạn như Đức, Ý, Hà Lan, các nước vùng Scandinavia… |
Những thủy thủ trên con tàu nước Anh đã lựa chọn một hướng đi mới, và do đó, họ cần một người thuyền trưởng mới. Và người đó không phải là ông!
Trong bối cảnh cử tri Anh vô cùng hoảng loạn sau khi phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng, ra sức cứu vãn tình thế bằng đơn kiến nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, bằng những phát biểu… “dứt tình” rằng, “Chúng tôi là người châu Âu, chúng tôi cần EU”, hay thậm chí sẵn sàng từ bỏ nước Anh… thì có vẻ như lãnh đạo các quốc gia thành viên sáng lập chẳng mấy đoái hoài (?).
Băng keo nào hàn gắn được vết thương từ bên trong?
Sự chia rẽ giữa EU với nước Anh dù không phải là một cuộc ly hôn thân thiện, song cũng không hẳn là một “mối quan hệ sâu nặng”. Một cuộc thương lượng về sự ra đi cần được tổ chức ngay lập tức. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thẳng thừng “đoạn tuyệt”.
Thậm chí, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD của Đức, ông Juncker còn nói, những gì mà người dân Anh thể hiện hôm 23/6 đã cho thấy quyết định của họ, vì thế “thật vô nghĩa” khi mà phải chờ đến tận tháng 10 để đàm phán các điều khoản ra đi.
Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn cấp được tổ chức hôm 25/6 giữa Ngoại trưởng 6 quốc gia thành viên sáng lập (Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan) ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lại hối thúc việc thương lượng phải bắt đầu “càng sớm càng tốt”. Họ không chấp nhận sự tồn tại một khoảng trống quyền lực ở châu Âu, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thịnh vượng chung của cả khối.
Trong chuyến thăm hai ngày tại Bắc Ireland mới đây, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã có những buổi làm việc đầu tiên kể từ khi Anh công bố kết quả trưng cầu ý dân cho thấy quyết định muốn rời EU. Tại cuộc gặp được phát sóng trên truyền hình, khi các lãnh đạo Bắc Ireland đón tiếp Nữ hoàng, phó thủ hiến McGuinness vừa chìa tay ra bắt vừa hỏi thăm “Xin chào Nữ Hoàng, bà có khỏe không?”. Nữ hoàng cười vui vẻ, bắt tay ông McGuinness và đùa: “Dù thế nào thì tôi vẫn sống mà”. Bà nói thêm: “Chúng tôi đang rất bận rộn. Có quá nhiều việc đã diễn ra”. |
Thế nhưng, dù Brexit thì tư cách thành viên của nước Anh trong LHQ cũng chẳng hề bị ảnh hưởng, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định trước báo giới sau cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Paris mới đây.
Điều mà ông lo ngại chính là, “toàn bộ hành tinh sẽ đối mặt với câu hỏi: những gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Thậm chí, chuyên gia tài chính, tỷ phú nổi tiếng nước Mỹ George Soros thì đưa ra nhận định khá bi quan về viễn cảnh châu Âu trong tương lai khi nước Anh Brexit, “sự sụp đổ của EU hầu như không thể đảo ngược”, đặc biệt trong tình hình quốc tế đầy biến động như hiện nay.
Nước Anh và EU sẽ cần tới 2, 3 hoặc 4 năm, hoặc cũng có thể một khoảng thời gian lâu hơn nữa để có thể hoàn tất thủ tục “ly dị” một cách hợp pháp theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Brexit có lẽ không còn là điều phải bàn cãi lúc này, bởi ý nguyện của phần đa cử tri Anh đã được thể hiện trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/6. Chuyện quan tâm lúc này, và trong thời gian tới, các điều khoản mà Anh đạt được với EU là gì khi muốn ly hôn, nhưng lại vẫn “lưu luyến” khối thị trường chung châu Âu với 500 triệu dân?
Giờ đây, cử tri Anh đang nháo nhào vì kết quả trưng cầu Brexit, đồng bảng Anh sụt giá nghiêm trọng, còn đội tuyển Anh bị “đá bay” khỏi Euro 2016, Bắc Ireland và Scotland muốn tự chủ, EU thì muốn “hai năm rõ mười” để nhanh chóng kết thúc mọi thủ tục ly hôn, nhằm ổn định tổ chức. Dường như, sau Brexit, mọi cánh cửa đều đang dần khép lại, “dồn ép”, buộc nước Anh phải lựa chọn, hoặc chấp nhận một “sự đánh đổi” nào đó.
Thế nhưng, hẳn bạn đã từng nghe đến cụm từ “phớt Ăng lê”? Với người Anh, dù trời có sắp sập xuống thì… “yên tâm đi, dù thế nào, tất cả đều vẫn ổn”. Nói như Nữ hoàng Anh Elizabeth II thì, dù trong trường hợp nào, nước Anh “vẫn sống”!