Phong trào thi đua của TAND năm 2022 đã được cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị TAND các cấp tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Năm 2022 là năm thứ hai cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm thứ hai hệ thống TAND triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý” do Chánh án TANDTC phát động tại Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ IV. Các Tòa án đã phát huy truyền thống, ra sức thi đua vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Căn cứ chủ đề phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TAND đã xây dựng Kế hoạch thi đua cụ thể trong TAND với mục tiêu chung là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2022”.
Trên cơ sở đó, các Cụm thi đua, các Tòa án trong cả nước đã tổ chức phát động phong trào thi đua trong năm, theo đợt, chuyên đề… bám sát nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ trọng tâm công tác, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các vấn đề còn nổi cộm, khó khăn, vướng mắc… với nội dung, mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, chủ đề dễ nhớ, dễ thực hiện.
Thông qua các phong trào thi đua, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Các Tòa án đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Một số đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu quy định, điển hình như: TAND hai cấp tỉnh Nam Định có tỷ lệ xét xử, giải quyết các loại vụ việc nói chung 98%; TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ xét xử, giải quyết các loại vụ việc nói chung 97%; TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 150 phiên tòa trực tuyến, giải quyết xét xử phúc thẩm đạt 94,39%, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 81,47%; TAND tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72,4%; TAND hai cấp tỉnh Hải Dương tổ chức 135 phiên tòa trực tuyến, bình quân 10,3 phiên tòa/1 đơn vị; TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 125 phiên tòa rút kinh nghiệm/49 Thẩm phán, tỷ lệ 2,55 phiên tòa/1 Thẩm phán; TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh tổ chức 166 phiên tòa rút kinh nghiệm/68 Thẩm phán, đạt tỷ lệ 2,4 phiên tòa/1 Thẩm phán.
Về chỉ tiêu thi đua, nhiều đơn vị đã có nhiều giải pháp, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua. Điển hình như: TAND tỉnh Lạng Sơn phát động phong trào thi đua “Thực hiện đề tài, sáng kiến đạt chất lượng cao-Ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác”, “Thực hiện 08 giờ làm việc hiệu quả, xây dựng cơ quan an toàn, văn hóa, văn minh”; TAND tỉnh Nghệ An với phong trào “Kỹ năng viết bản án, biên bản phiên tòa Tòa án nhân dân hai cấp năm 2022”; TAND thành phố Cần Thơ phát động phong trào “Đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, thi đua toàn diện”.
Văn phòng TANDTC phát động phong trào “Giữ vững kỷ cương, tăng cường kỷ luật, đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy sức mạnh tập thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Các Tòa án quân sự ngoài việc thực hiện phong trào thi đua của TAND còn tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua trong Quân đội như: phong trào “Thi đua Quyết thắng”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ”, “Cán bộ, nhân viên, chiến sỹ các Tòa án quân sự đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cùng với phong trào thi đua của TAND, các Tòa án tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động, như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và đặc biệt là phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” bằng nhiều hoạt động cụ thể, mang lại ý nghĩa thiết thực, như: xét xử kịp thời những vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19; đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng, chống Covid-19; tham gia cùng các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp xây dựng nông thôn mới...với số tiền, hiện vật ủng hộ trị giá hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như TAND tỉnh Lạng Sơn thông qua chương trình “Áo ấm mùa đông” đã hỗ trợ 54 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 20 em học sinh nghèo vượt khó, 30 trẻ em bị bại liệt với tổng giá trị quà tặng 138.600.000 đồng; TAND hai cấp tỉnh Lào Cai hỗ trợ 11 xã xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền 126.200.000 đồng; TAND tỉnh Lâm Đồng đóng góp ủng hộ các quỹ và hoạt động xã hội từ thiện với tổng giá trị 777.583.762 đồng.
Tổng kết phong trào thi đua năm 2022, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua được khen thưởng các hình thức cao, cụ thể là: đã có 03 cá nhân có thành tích công hiến được tặng “Huân chương Lao động”, 01 cá nhân được tặng “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và 01 cá nhân được tặng “Bằng khen” đột xuất của Thủ tướng Chính phủ. (Một số trường hợp đang chờ cấp có thẩm quyền thẩm định đề nghị khen cấp Nhà nước, gồm: 11 tập thể và 05 cá nhân đề nghị “Huân chương Lao động” các loại; 29 tập thể và 23 cá nhân đề nghị “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ).
Có 58 cá nhân được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực”; có hơn 3.000 tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” và “Bằng khen” của Chánh án TANDTC trong tổng kết phong trào thi đua năm 2022. Ngoài ra, còn có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu khác như: “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” và “Giấy khen” tại các đơn vị Tòa án các cấp.
Một số đơn vị có cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng điển hình tiên tiến, như: TAND thành phố Hải Phòng nhiều năm xây dựng mô hình “Tòa án văn minh, thân thiện”, đã được Chánh án TANDTC tặng “Bằng khen” năm 2022 do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.
TAND tỉnh Bình Dương xây dựng mô hình “Tòa án thân thiện” với phương châm “5 biết” ,“3 thể hiện”. Các chuẩn mực quy tắc ứng xử theo tiêu chí thực hiện “5 xây, 5 chống, 5 không” nhiều đơn vị đã xây dựng được các điển hình tiên tiến mới, như: TAND thành phố Hà Nội xây dựng 18 tập thể và 54 cá nhân điển hình tiên tiến, TAND tỉnh Đắk Lắk xây dựng 04 tập thể và 132 cá nhân điển hình tiên tiến…