Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn, mặn tại Bến Tre

Xuân Lan| 05/05/2016 22:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (5/5), ông Jan Eliasson, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các thành viên đã đến khảo sát tình hình thiệt hại do hạn mặn và biến đổi khí hậu ở tỉnh Bến Tre - địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng nhất trong vòng 90 năm qua.

Cùng đi với đoàn của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn, mặn tại Bến Tre

Đoàn công tác đi khảo sát thực tế hạn, mặn tại Bến Tre

Tại Bến Tre, đoàn đã đến thăm hộ bà Nguyễn Thị Nương (55 tuổi) ở ấp Phú Thuận, xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, một trong hàng ngàn hộ dân đang gặp khó khăn do hạn mặn khốc liệt gây ra. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã hỏi thăm người dân về những thiệt hại trong sản xuất do hạn mặn gây ra.

Bà Nguyễn Thị Nương cho biết: Năm trước, vào thời điểm này, gia đình bà đã thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, năng suất lúa đạt 700 kg/1.000m2 (gia đình bà có 5.000m2 đất) và chuẩn bị cày đất xuống giống vụ Hè Thu. Tuy nhiên, năm nay do nước mặn lên sớm, toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân của gia đình bà Nương đã bị thiệt hại. Lúa chết khi chưa trổ bông nên gia đình bà cũng không có rơm cho bò ăn.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chia sẻ khó khăn và động viên gia đình bà Nguyễn Thị Nương. Ông nói: "Chúng tôi đến đây để tìm hiểu những tác động của biến đối khí hậu đối với sản xuất và đời sống của người dân. Chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ bà và những người cùng cảnh ngộ".

Đoàn của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đã đến thăm Nhà máy nước xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri). Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chứng kiến cán bộ nhà máy nước đo độ mặn tại hồ chứa là 3,2 phần ngàn. Đoàn đã đến khảo sát tình hình sạt lở ở cồn Ngoài cũng thuộc xã Bảo Thuận. Hằng năm, tại đây mất hàng chục ha đất do sóng biển mùa gió chướng đánh mạnh vào bờ, trong khi hệ thống đê kè chưa được xây dựng kiên cố, làm mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nói: Người dân Bến Tre đang gồng mình chống chọi với 3 cái nhất: Xâm nhập mặn sâu nhất, độ mặn cao nhất và kéo dài nhất từ trước đến nay. Hiện tại, Bến Tre có hơn 80.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng phải dùng luôn cả nước nhiễm mặn.

Ông Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi miền Nam cho biết: Sông Mekong chảy qua 6 nước, dài 4.200km, có diện tích lưu vực 795.000km2 và là một trong những con sông dài nhất thế giới. Riêng ĐBSCL có diện tích 3,9 triệu ha, chiếm 5% diện tích lưu vực và 12% diện tích Việt Nam. Sản lượng sản xuất lúa gạo chiếm 50%, nuôi trồng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng trái cây, chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu gạo và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản rất năng động so với các nơi khác trên thế giới, năm 2016, ĐBSCL có khoảng 2 triệu ha bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, độ mặn 4%o xâm nhập sâu 40 - 50km. Xâm nhập sâu một phần do trên dòng chính sông Mekong ở khu vực thượng nguồn đã đắp 6 đập hiện có, 2 đập đang xây dựng… làm cho nước thượng nguồn không về tới hạ nguồn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thông tin với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc là Việt Nam đang đối phó với thiên tai nặng nề, không chỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà hạn hán gay gắt còn xảy ra ở Tây Nguyên và miền Trung. Chính phủ Việt Nam huy động mọi nguồn lực có thể giúp người dân, với phương châm không để dân đói, thiếu nước sinh hoạt, dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay rất khốc liệt, đúng như dự đoán Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 208 ngàn ha lúa bị thiệt hại, mất 1 triệu tấn lúa; hơn 9.000 ha cây ăn quả và hơn 200 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định Chính phủ Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực để giúp nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Quan điểm của Chính phủ là không để cho một người dân nào đói và thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đợt hạn, xâm nhập mặn năm nay là do bị ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam được dự báo là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của vấn đề trên. Thách thức biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đã tính phương án dự phòng để giúp dân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã hỗ trợ. Trong sự nỗ lực đó thì chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn, mặn tại Bến Tre

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nếm nước mặn tại Bến Tre

Ông Eliasson, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đã bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã tạo điều kiện cho chuyến thăm thực tế về vấn đề biến đổi khí hậu, để ông có được những thông tin về thực tiễn biến đổi khí hậu tại địa phương, cũng như đã được nhìn thấy việc xử lý nước của Việt Nam cùng những cánh đồng lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Qua đó, ông Eliasson cũng nhìn nhận, rõ ràng hạn hán, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đều có liên quan và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến Việt Nam. 

"Ngày hôm nay gia đình bà Nương đã cho tôi thông điệp rõ ràng nhất về mùa màng và nước sinh hoạt bị thiếu hụt như thế nào qua gia đình họ. Ở nhiều nước liên quan thì sẽ cần có chương trình chung cho việc sử dụng nguồn nước (Mekong).

Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam và người dân, chúng tôi cũng thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề này và chúng tôi cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực có điều kiện nguồn nước thông nhau. Hệ thống của chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ Chính phủ và người dân bị thiên tai, trong đó sẽ vận động các tổ chức quốc tế về môi trường, nhân đạo trên thế giới hướng về các bạn. Vấn đề khoa học lọc nước biển rất quan trọng từ chi phí 2 USD sang 2 cent là vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề nước ngọt.

Từ trẻ tôi cũng đã theo sát các thông tin về Việt Nam và hôm nay là một lượng thông tin cụ thể, rõ nhất và tôi sẽ chuyển thông điệp này đến Hội nghị cấp cao về nhân đạo thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vào ngày 26/5/2016 tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ" - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn, mặn tại Bến Tre