Chính trị

Phó Thủ tướng: Xét xử nghiêm các vụ đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Xuân Lan 18/06/2024 - 08:04

Các địa phương cần sẵn sàng triển khai Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.

ndt6300-1718628657510188230648.jpg
Phó Thủ tướng: Tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tới người dân, ngư dân bằng các hình thức trực quan, sinh động

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển, diễn ra tại Trụ sở Chính phủ, chiều 17/6.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vừa tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tới người dân, ngư dân bằng các hình thức trực quan, sinh động.

Nghị quyết 04 gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đối tượng đưa ra xét xử là những người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép và những người tái phạm nhiều lần, không xử người đi làm thuê, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là việc đau lòng nhưng nếu không mạnh tay thì không gỡ được "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu vào EU. Ngược lại, nếu xử đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ thì Việt Nam có cơ hội gỡ được "thẻ vàng" trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC dự kiến vào tháng 9-10 tới.

Cần biết rằng, trong thời gian bị "thẻ vàng," 100% container hàng hải sản xuất khẩu đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian bị kéo dài, thậm chí từ 3-4 tuần/container.

Riêng phí kiểm tra "nguồn gốc" là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

Nguy hại hơn, nếu bị nâng lên "thẻ đỏ" thì hàng thủy sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang EU, thậm chí sang một số quốc gia khác, thì có thể dẫn đến nguy cơ mất đi một ngành hàng; làm suy giảm uy tín, vị thế của Việt Nam.

Chung sức, đồng lòng gỡ "thẻ vàng" IUU trong đợt thanh tra tới của EC

Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền rộng khắp, mạch lạc về Nghị quyết 04. Các lực lượng chức năng phải tăng "mức độ, tần suất" trong quản lý, giám sát đội tàu; quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản.

Bộ NN&PTNT và các địa phương tổ chức các đoàn tăng cường đi kiểm tra, giám sát ở cơ sở để thấu hiểu xem bà con đang cần gì, chính quyền cơ sở đang cần gì để có giải pháp cụ thể, kịp thời.

Phó Thủ tướng đánh giá cao và khuyến khích các địa phương ban hành chính sách riêng của địa phương mình để hỗ trợ công tác chống IUU bởi nguồn lực của Trung ương không thể đáp ứng được hết nhu cầu của tất cả các địa phương.

Công tác chống IUU được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị như đã được chỉ ra tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống IUU và các văn bản khác có liên quan.

Chỉ thị số 32 nêu rõ các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có "trách nhiệm trực tiếp" đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, hệ thống khung pháp lý cho hoạt động chống IUU tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2028 quy định về đăng kiểm tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu cộng vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.

Phó Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng nhau chung sức, tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 04 cùng giải pháp khác như một đợt cao điểm trong vòng 3 tháng tới nhằm cố gắng gỡ được "thẻ vàng" IUU trong đợt thanh tra tới đây của EC.

Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ban Cán sự đảng TANDTC được đề nghị lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong tổ chức và thực hiện Chỉ thị để "kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu"; "khẩn trương rà soát, hoàn thiện Chính sách pháp luật, bổ sung chế tài xử lý vi phạm".

Cùng với đó, tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ "kiến nghị TANDTC rà soát, hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài".

Thực hiện quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản".

Nghị quyết này là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản để phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản. Nghị quyết số 04/2024 đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 12/6/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: Xét xử nghiêm các vụ đánh bắt thủy sản bất hợp pháp