Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đến 2 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Đống Đa, Hà Nội để kiểm tra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã vào kiểm tra tại Khu công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower, phố La Thành, ngay cạnh Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.
Tại đây, Phó Thủ tướng đã xuống hầm của khu công trình đang xây dựng, đi sâu vào nơi ở của công nhân. Chứng kiến công nhân ở tại công trường phải sống trong không khí tối tăm, ngột ngạt và những lán trại ẩm thấp, có rất nhiều bãi nước đọng. Phó Thủ tướng hỏi: “Tôi hỏi thật anh em, trước khi xuống đây có ai tưởng tượng nổi công nhân lại sống như thế này ngay giữa vùng dịch SXH không?”.
Phó Thủ tướng kiểm tra khu tầng hầm là nơi công nhân ở.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó khi kiểm tra tại tầng hầm này, do tầng hầm ẩm thấp, đọng nhiều vũng nước nên mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH. Vì thế, ngành y tế đã yêu cầu các công nhân phải chuyển lên trên sân công trường để sinh sống nhằm phòng tránh SXH, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy tại tầng hầm tòa nhà.
Phó Thủ tướng kiểm tra từng bể nước ở công trình xây dựng
Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tại một khu nhà trọ ở quận Đống Đa và thấy rất nhiều người dân hiểu về cách phòng chống SXH nhưng do điều kiện ăn ở chật chội lại có nhiều phế liệu xung quanh nên vẫn có những vật dụng có thể là nơi trú ngụ cho loăng quăng như: lọ hoa còn nước, bát đựng nước của vật nuôi hoặc những vật dụng có thể đựng nước...
Tuy nhiên, cá biệt có trường hợp một người dân thừa nhận không hề biết về dịch SXH ở khu vực này, dù đây chính là ổ dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế địa phương phải sát sao, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch SXH, tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến từng người dân về phòng chống SXH, nếu không dịch chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.
Phó Thủ tướng kiếm tra tại một khu trọ tiếp giáp với nghĩa trang, vẫn có những vật dụng có thể là nơi trú ngụ cho loăng quăng
Phát biểu tại cuộc họp với UBND quận Đống Đa và Bộ Y tế sau khi thị sát, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận: "Tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Giữa Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên. Quan trọng nhất hiện nay là 2 giải pháp là y tế dự phòng mà mọi người cùng phải tham gia. Chính quyền phải làm bền vững. Về phía người dân vẫn còn nhiều người coi nhẹ dịch bệnh hoặc đi làm suốt nên không thể vào nhà phun hoá chất diệt muỗi".
Phó Thủ tướng nhận định, Hà Nội và nhiều địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh, cao, với nhiều công trình xây dựng, sau quá trình tuyên truyền, vận động các chủ đầu tư công trình, cần phải có những biện pháp xử lý cương quyết, nghiêm khắc hơn.
“Làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, rộng ra là cộng đồng người dân nữa. Nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền phải vận động để tất cả người dân cùng vào cuộc chống sốt xuất huyết
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá Hà Nội đã rất quyết liệt nhưng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Công việc dự phòng thì phải chú ý từ diệt bọ gậy, loăng quăng, lật úp mọi thứ. Dự phòng có giải pháp hết rồi nhưng phải "hạ hỏa" những địa điểm như gần bệnh viện, phòng khám đa khoa, chợ… là những nơi lây truyền nhanh, vì mật độ dân cư đông. Phải phun “hạ hỏa” SXH ở những nơi này.
"Sau 1 chiến dịch diệt loăng quăng thì dịch hạ hẳn vì đã làm trong Nam. Ngoài việc nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, các lực lương của chính quyền, đoàn thể, từ sinh viên tình nguyện trong mùa hè xanh, công an viên, dân phòng, tổ trưởng dân phố, Hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… cũng phải tích cực tham gia" - Bộ trưởng Tiến nói.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 8.000 bệnh nhân SXH, trong đó đã có 4 người tử vong. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn với Hà Nội để có thể triển khai công tác phòng chống dịch quyết liệt hơn tới cơ sở; không chỉ trong đợt cao điểm của dịch mà còn về lâu dài.