Chiều 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đăng đàn giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Liên quan đến đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, "tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ".
Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng trưởng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn chi phối. Vì vậy, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao.
"Theo đó, đã có dự án thử nghiệm để điều tra, đánh giá trữ lượng, thành phần các loại đất hiếm. Xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn (với tỷ lệ đạt 99%). Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu sử dụng đất hiếm, qua đó, bảo đảm cung – cầu bền vững hơn. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư.
Nghiên cứu nhập cát từ Campuchia
Về vật liệu xây dựng, theo Phó Thủ tướng, đã có quy định phân cấp cho địa phương nhưng do vướng mắc về quy trình, thủ tục nên việc phân cấp còn chậm trễ, kéo dài thời gian.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đã được Quốc hội xem xét, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 04 loại nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thì Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng gặp khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần đến làm việc và cá nhân Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng cũng nhiều lần làm việc về vấn đề này tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Bất cập của vùng là xác định trữ lượng, công suất và nhu cầu, tiến độ khai thác. Để giải quyết khó khăn này, chúng ta cần dự báo chính xác, xác định rõ yêu cầu tiến độ cũng như công suất, từ đó, xác định rõ khối lượng đang thiếu, nhu cầu cần phải cung cấp.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm về nguồn cát biển và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu và vấn đề ảnh hưởng môi trường. Như kết quả thử nghiệm của Bộ Giao thông vận tải thì chúng ta đã kiểm soát được vấn đề môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường.
Việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm đối với từng khu vực khai thác, đối với từng công trình là hết sức cần thiết, đặc biệt là đưa ra các tiêu chí cơ lý, bảo vệ môi trường. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là yêu cầu tiên quyết.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Theo đó, đã giải quyết đồng thời 2 mục tiêu là đối với các cảng biển nội thủy, sông ngòi, các tuyến kênh rạch thì giao cho địa phương đánh giá, điều tra, khai thác để thông tuyến, đồng thời tận dụng vật liệu này. Qua đánh giá sơ bộ, Tiền Giang và Bến Tre có hơn 45 triệu tấn cát. Như vậy, đối với ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo bổ sung nguồn khác, trong đó nghiên cứu nhập cát từ nước ngoài như từ Campuchia, dùng đá xay thay thế vật liệu cát.
Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc, tư vấn thiết kế cần tính toán, đánh giá nhu cầu vật liệu san lấp trong quá trình điều tra khảo sát, trên cơ sở đó, các địa phương có thể chủ động hơn trong triển khai, như chủ động trong quy hoạch mỏ cát, cấp phép mỏ.