Phiên tòa ở Nuremberg: Chấn động vụ xử các lãnh đạo Đức Quốc xã

H.Thanh| 13/09/2022 08:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã gần 77 năm qua kể từ khi phiên tòa Quân sự Quốc tế tại Nuremberg, với 24 nhân vật cao cấp của Đức Quốc Xã đã bị xét xử. 19 người bị xét có tội chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh và việc tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp. Phiên tòa tạo nên lịch sử, khi đặt ra các nguyên tắc hiện vẫn còn là nền tảng cho việc xét xử quốc tế ngày nay.

Khối hồ sơ khổng lồ

Những phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh này được trao quyền theo Hiệp định London, được Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, và chính phủ lâm thời của Pháp ký vào tháng 8 năm 1945. Ở thời điểm đó người ta thống nhất rằng các quan chức phe Trục tiến hành các tội ác chiến tranh vượt ra ngoài một khu vực địa lý cụ thể sẽ được xét xử bởi một Tòa án chiến tranh quốc tế (phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Tokyo – Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông). 19 quốc gia khác sau này cũng tham gia hiệp định này. Tất cả các nước tham chiến Thế chiến II đều xét xử bọn phát xít Đức. Lúc đầu ở từng nước thành lập Tòa án để đưa ra vành móng ngựa những kẻ phạm tội trên lãnh thổ mình, sau đó Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đề nghị các quốc gia đồng minh thành lập Tòa án chung để xét xử.

Các cáo buộc đối với 24 bị cáo tại Tòa án Nuremberg bao gồm: Tội ác chống hòa bình, tức là lên kế hoạch và tiến hành các cuộc chiến vi phạm các điều ước quốc tế; Tội ác chống nhân loại, tức là việc trục xuất, tiêu diệt, và diệt chủng các cộng đồng dân cư; Tội ác chiến tranh, tức là các hoạt động vi phạm “các quy tắc” chiến tranh được đặt ra sau Thế chiến I và trong các thỏa thuận quốc tế sau này và âm mưu tiến hành bất kỳ tội ác nào trong số ba tội ác kể trên.

Địa điểm tiến hành phiên tòa được chọn là Nurnberg - thành phố mà bọn phát xít theo thông lệ thường sử dụng để tiến hành đại hội đảng Công nhân quốc gia xã hội Đức (NSDAP) của Hitler. Trung tâm Nurnberg tuy bị máy bay liên quân Anh - Mỹ ném bom tàn phá, nhưng Tòa nhà lớn của tòa án vẫn còn nguyên vẹn.

ducquocxa.jpg
Các bị cáo tại một phiên xử của tòa án quân sự quốc tế Nuremberg năm 1945. Hàng đầu gồm Hermann Goering, Rudolf Hess, Joachim Von Ribbentrop, Wilhelm Keitel và Ernst Kaltenbrunner. Hàng sau gồm Karl Doenitz, Erich Raeder, Baldur von Schirach và Fritz Sauckel. Ảnh: History.com

Để tuân thủ các nguyên tắc của Tòa án, mỗi một nước chiến thắng đều chỉ định một thành viên của Tòa án và một công tố viên, còn luật sư là những người Đức. Các công tố viên của tòa án phối hợp với nhau khá tốt, chẳng hạn công tố viên Mỹ được tin tưởng phát biểu về "Tội ác chống lại Liên Xô", còn công tố viên Liên Xô - "Tội ác chống lại loài người".

Với Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, mỗi nước có quyền cử một chánh án chính và một chánh án dự khuyết, luân phiên giữ vai trò chủ tọa các phiên xử. Ngoài ra, hơn 10 nước châu Âu có liên can đến Thế chiến thứ hai, cũng gửi các thẩm phán tham gia quá trình xét xử.

Trưởng công tố viên tại tòa Nuremberg là Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Robert H. Jackson, người được Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu lập ra một cơ cấu tố tụng. Khi ra hầu tòa, các bị cáo được sắp xếp ngồi theo hai hàng ghế và có tai nghe riêng để theo dõi các lời tranh biện và phán xử được dịch tức thời sang tiếng mẹ đẻ.

Ngày 20/11/1945 bắt đầu phiên tòa Nurnberg. Trong số các tên trùm phát xít thì Adolf Hitler, Joseph Gebbels, Heinrich Himmler đã tự tử, còn lại 22 tên đứng trước vành móng ngựa. Trong số này có Hermann Goering nhân vật số 2 sau Hitler, Phó chủ tịch NSDAP Rudolf Hess, Bộ trưởng ngoại giao Friedrich Wilhelm... Ngoài ra, còn một chỗ trống dành cho Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP, đã lẩn trốn mất dạng vào ngày 1/5/1945.

Tất cả có 403 phiên xử, 116 nhân chứng được mời, hơn 5.000 hồ sơ chứng cứ, 200 tấn giấy trong đó chứa đựng cái chết của hàng triệu sinh mạng. Chỉ riêng phần ghi chép tiếng Nga đã hợp thành 39 tập sách dày, còn phần dịch sang tiếng Đức cho các luật sư người Đức là 39 triệu trang.

Những bản án thích đáng

Trong tất cả các bị cáo, khó khăn nhất là phần luận tội Goering. Goering đóng kịch rất giỏi và luôn khẳng định rằng, Hitler tấn công Liên Xô nhằm lật đổ Stalin. Khi công tố viên Mỹ không buộc tội được Goering, người đồng nghiệp phía Nga là Roman Rydenko hỏi hắn: “Ông có tham gia vào việc soạn thảo kế hoạch tấn công Liên Xô?”. Hắn ta đáp: “Có”. Cứ thế, công tố viên Liên Xô dồn Goering vào chân tường, kể cả vụ bọn phát xít dùng súng thảm sát dã man người Do Thái tại thành phố Kyslovod ở phía nam Liên Xô.

Sau gần một năm xét xử, ngày 1/10/1946, Tòa án quốc tế Nurnberg đã tuyên án những tên trùm phát xít. Án tử hình được tuyên cho người kế nhiệm Hitler, Bộ trưởng Hàng không Hermann Goering, Bộ trưởng ngoại giao Friedrich Wilhelm, tướng Wilhelm Keitel - người đã ký vào văn kiện đầu hàng đồng minh của bọn phát xít, lãnh đạo ngành an ninh Ernst Kaltenbrunner, Bộ trưởng phụ trách Đông Alfred Rosenberg, Tướng toàn quyền ở Ba Lan Hans Frank, Bộ trưởng nội vụ Wilhelm Frick, nhà tư tưởng bài Do Thái Julius Streicher, Toàn quyền quản lý nguồn nhân lực nước ngoài Sauckel Friz, lãnh đạo tổng hành dinh tác chiến Alfred Yodl, đại diện của Đức quốc xã tại Hà Lan Seyss-Inquart và tử hình vắng mặt Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP. Trước đó, lãnh đạo Mặt trận lao động (công đoàn) Đức Robert Ley đã treo cổ tự vẫn trong nhà giam. Tất cả các đơn kháng án cũng như đơn đề nghị dùng hình thức xử bắn thay cho treo cổ đều bị tòa án bác bỏ.

Konstatin Zalessky, Phó chủ Tịch Hiệp hội lịch sử thế chiến II cho biết: "Tại Tòa án Nuremberg, người ta đã thấy rõ gốc rễ của chế độ phát xít, dựa trên sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc. Và các quyết định của phiên tòa Nuremberg rất quan trọng, bởi vì nó đã cho thấy rõ con đường chủng tộc ưu thế, con đường quốc gia độc quyền - chưa nói đến sự diệt chủng, mà là một tội ác cụ thể chống lại nhân loại ‒ là một con đường không có lối thoát trong lịch sử, dẫn đến những hành động tội ác khổng lồ, tội phạm chiến tranh và chống lại nhân loại".

Những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai, Benjamin Ferencz khi đó 25 tuổi, đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ được được giao nhiệm vụ thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh của nước Đức dưới thời Adolf Hitler.

Ông nhớ lại: "Tôi đã trực tiếp chứng kiến những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, một cách rất gần. Có rất ít người được thấy những gì tôi đã chứng kiến. Tôi đã thấy rất nhiều xác chết nằm la liệt trên sàn nhà và hàng dòng người chen chúc trước lò hỏa thiêu."

Phòng xử án ở Nuremberg sau phiên tòa đã được giữ lại làm nơi tham quan để nhắc nhở mọi người về những tai họa mà chiến tranh gây ra với nhân loại. Đến phòng xử án này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nơi đã diễn ra phiên xử 24 bị cáo Đức Quốc xã.

"Tại phiên tòa Nuremberg, chúng tôi không tìm cách kết án tất cả người Đức. Chúng tôi kết án những kẻ phạm tội chống lại nhân loại và những hành vi quá man rợ. Đấy là thế giới mà tôi trưởng thành và tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo tôi sẽ nhận ra rằng đó là sự kinh hoàng và phải tránh. Phiên tòa Nuremberg được coi là tiền thân của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) La Haye, Hà Lan, Tòa án xét xử tội phạm diệt chủng, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.

Ông Ferencz đã vận động trong nhiều thập kỷ để thành lập ICC, và để tòa đưa ra bản phán quyết đầu tiên sau 10 năm thành lập tại phiên tòa xét xử thủ lĩnh chiến tranh Congo Thomas Lubanga, vào năm 2012. Ông luôn tâm niệm, luật pháp tốt hơn chiến tranh. Luật chứ không phải chiến tranh, là câu trả lời cho một thế giới hòa bình.

Tòa án Nuremberg thay đổi Luật tội phạm chiến tranh. Trước khi Tòa án Nuremberg ra đời, các quốc gia trên thế giới đã cố gắng truy tố một số nhà lãnh đạo sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới I, nhưng đều thất bại. Gần 77 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa Tòa án quốc tế Nurnberg vẫn còn nguyên ý nghĩa: Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Tòa án này cho thấy các nguyên tắc nhân đạo và giá trị chung của loài người còn cao hơn luật pháp riêng lẻ của các quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên tòa ở Nuremberg: Chấn động vụ xử các lãnh đạo Đức Quốc xã