Sáng nay 10/2, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ năm 2013, sau 06 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Luật sửa đổi, tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, như: bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực… So với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực và sửa đổi tên 07 lĩnh vực.
Về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực; Báo cáo tổng kết, Đề cương dự thảo Luật khi Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Báo cáo đánh giá tác động không có nội dung này.
Ý kiến đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong Hồ sơ còn chung chung; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể; có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này”. Nhiều ý kiến cho rằng chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất.
Đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Trước khi thảo luận nội dung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ việc quy định các mức phạt trong luật này so với mức phạt tiền trong BLHS và việc phạt tiền có được cao hơn BLHS không? Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ việc sửa đổi này có đồng bộ với các luật và hợp Hiến hay không?
Cho ý kiến vào dự án luật này UBTVQH đánh giá, hồ sơ dự án luật về cơ bản được chuẩn bị rất công phu. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật là Bộ Tư pháp cần tổng kết, đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn về những chính sách, quy định được đề nghị sửa đổi; đánh giá tác động cụ thể hơn về các chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung; thống kê số liệu từng lĩnh vực, so sánh với các lĩnh vực có liên quan để có cơ sở khoa học.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi này và cho rằng, việc tăng mức phạt là cần thiết để đảm bảo tính răn đe. Bài học Nghị định 100 về phòng chống tác hại rượu bia vừa áp dụng là một ví dụ điển hình. Mức phạt cao nên mội người uống rượu bia khi nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt 40 triệu thì hầu hết hạ xuống. Bởi vậy mà tai nạn giao thông vừa qua cũng giảm đi nhiều…
Tổng kết lại các ý kiến phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, về đề nghị tăng mức xử phạt tối đa với 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa với 6 lĩnh vực, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị rà soát lại từng lĩnh vực cụ thể, phân loại theo nhóm và chỉ tăng mức xử phạt tối đa theo nhóm, không tăng mức xử phạt tối đa với mọi loại hành vi vi phạm trong tất cả lĩnh vực đó.
Quang cảnh phiên họp
Các ý kiến cũng thống nhất cao rằng, không nhất thiết xử phạt hành chính phải luôn thấp hơn mức tối thiểu của hình phạt bằng tiền tối thiểu quy định trong BLHS, bởi vì hậu quả pháp lý của xử lý hình sự bao giờ cũng nghiêm trọng hơn hậu quả pháp lý của xử lý hành chính, do còn liên quan đến án tích, nhân thân của người bị xử lý.
Các đại biểu cho rằng, không nên căn cứ vào thu nhập trung bình của người dân để xây dựng mức phạt hành chính, mà cần phạt thật nặng để tăng tính răn đe, khiến người ta không dám vi phạm. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng có quy định xử phạt hành chính có thể cao hơn là xử lý hình sự.
Tại Việt Nam, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã có tác dụng ngay lập tức… Từ thực tế này, một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi quy định để tăng mức phạt tiền với các hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Về hai biện pháp cưỡng chế mà Chính phủ đề xuất bổ sung, gồm: ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, các đại biểu hầu hết đều nhất trí với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đề nghị đánh giá lại bản chất của 2 biện pháp này là cưỡng chế hay hình phạt. Về biện pháp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, các đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ bản chất của biện pháp này. Biện pháp cưỡng chế chỉ nên dừng lại ở đình chỉ hoạt động tạm thời. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nghiêng về biện pháp xử phạt nhiều hơn là cưỡng chế thi hành.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về nhiều vấn đề khác, như thủ tục xử phạt; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; tạm giữ người theo thủ tục hành chính…