Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính lên đến 750 triệu đồng

Quốc Huy| 05/02/2020 16:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 5/2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 26, thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Đề nghị tăng mức phạt hành chính ở một số lĩnh vực

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật của 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật hiện hành. Trong đó, dự thảo Luật quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực  như giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông đường thủy nội địa (lên đến 750 triệu đồng); với các hành vi vi phạm trong đê điều, khám bệnh, dược, trang thiết bị y tế, kinh doanh phân bón (lên đến 100 triệu đồng); thủy lợi, kinh doanh bất động sản… Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả có mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng…

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính lên đến 750 triệu đồng 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo ý kiến về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, hồ sơ dự án Luật còn khá sơ sài, các tài liệu chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hầu hết các nội dung của dự thảo Luật. Nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật không phải là vấn đề bất cập được xác định trong Báo cáo tổng kết, không được đánh giá tác động cụ thể. Các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo tổng kết thi hành thể hiện, quá trình thực hiện không có khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ luật Hình sự quy định là hình phạt chính đối với các tội ở cùng lĩnh vực.

Phát biểu tại phiên họp, hầu hết các đại biểu đều tán thành cần thiết sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng đề nghị xem xét lại phạm vi sửa đổi. Việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính phải giải quyết được 2 vấn đề, đó là: những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quy định của luật và việc áp dụng luật trong thực tế và đáp ứng được tốt hơn công tác phòng, chống vi phạm hành chính trong thời gian tới. Ngoài ra, việc sửa đổi luật cũng phải đáp ứng được những nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tính khả thi, hợp lý; tránh mâu thuẫn và chồng chéo; phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chưa đồng tình về việc tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung để thuyết phục được UBTVQH và đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đề nghị, mỗi vấn đề đưa ra phải đánh giá rất kỹ tình hình thi hành pháp luật, tác động của chính sách với cuộc sống, với xã hội. Đa số đại biểu nhất trí cần phải nâng mức xử phạt hành chính ở một số lĩnh vực, nhưng cần phải có báo cáo cụ thể tăng trong lĩnh vực nào, hành vi gì so với luật hiện hành.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại việc dư luận xã hội rất bất bình và không đồng tình với việc xử lý một số hành vi trong một số lĩnh vực. Ví dụ xử phạt 200.000 đồng với hành vi dâm ô và nhiều hành vi khác nữa. Vậy nên yêu cầu đặt ra là phải tăng mức phạt ở một số lĩnh vực tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, yêu cầu đấu tranh phòng chống, giá cả, kinh tế-xã hội… “Tránh tình trạng do có dư luận nên tăng tất cả mà chưa tính đến trong lĩnh vực đó, chúng ta chưa sử dụng hết mức phạt tối đa mà luật đã cho phép”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải làm rõ vấn đề, xử lý chưa nghiêm là do quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hay ở khâu tổ chức thực hiện? Những vấn đề như phạt cho tồn tại, không khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, không áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục bồi thường thiệt hại… mà các đại biểu nêu ra đều do khâu tổ chức thực hiện, không phải do không có quy định của pháp luật.

Phân biệt rõ giữa biện pháp cưỡng chế và hình thức phạt

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng ý với  ý kiến của các đại biểu là cần phân biệt biện pháp cưỡng chế hay hình thức phạt với hai biện pháp mới bổ sung như dừng cấp điện nước, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn không phải là biện pháp cưỡng chế. Vì khi áp dụng một biện pháp xử lý hành chính là để đảm bảo cho việc thi hành hình phạt, nhưng nếu đã đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không còn giá trị để người vi phạm nộp phạt. Còn biện pháp dừng cấp điện nước thì có thể là biện pháp để cưỡng chế áp dụng thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính lên đến 750 triệu đồng

Toàn cảnh phiên họp

Liên quan đến thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực có thay đổi về tổ chức, bộ máy, theo quy định của luật chuyên ngành, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình rằng cần cập nhật lại trong dự Luật. Hay quy định ủy quyền cho cấp phó thực hiện, nhưng phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian, trách nhiệm… Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng có quy định về chế tài trách nhiệm của người thi hành công vụ để hạn chế, ràng buộc, kiểm soát quyền lực của người thi hành công vụ như trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm toán.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xử lý vi phạm hành chính là vấn đề lớn, một số địa phương hiện nay đang nổi lên vấn đề trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý người sử dụng ma túy vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc… Hồ sơ dự Luật cần đánh giá được những quy định gì trong Luật hiện hành đang còn bất cập, vướng mắc về trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền, thời gian… để kiến nghị sửa đổi. Ví dụ: Trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng ma túy lần đầu hoặc một vài lần thì áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp giáo dục, giúp đỡ để tạo điều kiện tốt nhất cho người vi phạm không tiếp tục tái diễn. Biện pháp giáo dục khác với xử lý hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là dự án mới trình Quốc hội lần đầu để cho ý kiến, đến kỳ họp cuối năm, Quốc hội mới xem xét thông qua, nên đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, Chính phủ rà soát, đánh giá, tổng kết kỹ và thống nhất quan điểm để báo cáo Quốc hội xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính lên đến 750 triệu đồng