Hội đồng Thẩm phán TANDTC vừa họp phiên tháng 3/2019 với nhiều vấn đề về nghiệp vụ được rút ra.
Không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC về áp dụng Án lệ 02/2016
Vụ án giữa nguyên đơn Bùi Thị Nh ở tỉnh Phú Yên và bị đơn Lê Kim L là Việt kiều Mỹ, tranh chấp về quyền sở hữu nhà 55 Lê Lợi, thị trấn C. Bà Nh yêu cầu công nhận bà là chủ sở hữu nhà 55 Lê Lợi vì là người mua ngôi nhà này và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu từ năm 2001. Bà L cũng yêu cầu công nhận bà L là chủ sở hữu nhà 53 Lê Lợi vì bà mới là người mua và chỉ nhờ bà Nh đứng tên hộ do thời điểm đó bà L là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa đủ điều kiện được mua nhà tại Việt Nam. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều quyết định công nhận nhà 53 Lê Lợi thuộc sở hữu của vợ chồng bà L và công nhận việc vợ chồng bà L tặng cho nhà này cho anh Đ.
Bản án phúc thẩm (số 79/2016/DS-PT ngày 26/10/2016 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) đã bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết sơ thẩm lại với lý do: Vợ chồng bà L là người Việt Nam ở nước ngoài nhờ bà Nh đứng tên nhà dùm. Tuy bà Nh không yêu cầu trả công sức quản lý tài sản nhưng bà Nh yêu cầu công nhận quyền sở hữu nhà là yêu cầu lớn hơn. Do vậy, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định công sức của bà Nh trong việc quản lý làm tăng giá trị nhà như án lệ số 02/2016 mới đúng.
Án lệ 02/2016 là án lệ cũng về tranh chấp giữa người ở trong nước đứng tên hộ người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với bất động sản. Trong trường hợp này, giá trị chênh lệch giữa khoản tiền đầu tư ban đầu với giá tài sản ở thời điểm tranh chấp được coi là lợi nhuận chung, người quản lý tài sản (đứng tên hộ) cũng được chia phần chênh lệch này cùng với người đầu tư. Trong trường hợp không xác định được ai có công sức nhiều hơn thì chia ngang nhau phần chênh lệch.
Tại phiên họp ngày 18/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Các lý do không chấp nhận kháng nghị là:
Án lệ 02/2016 là án lệ về cách xác định mức đền bù công sức được chia trong trường hợp đứng tên hộ. Tuy nhiên, do bà Nh chưa có yêu cầu về đền bù công sức, Tòa án chưa giải quyết về công sức nên chưa thể áp dụng Án lệ 02/2016.
Kháng nghị của VKSNDTC có nhận định “Bà Nh không yêu cầu trả công sức quản lý tài sản nhưng bà Nh yêu cầu công nhận quyền sử dụng nhà đất là yêu cầu lớn hơn”. Nhận định này có nội dung gần gũi với Án lệ 05/2016. Án lệ 05/2016 là án lệ có nội dung hướng dẫn cách xác định phạm vi xét xử. Tại Án lệ 05/2016, người quản lý di sản thừa kế cho rằng đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế nên yêu cầu xác định họ là người được hưởng toàn bộ bất động sản mà họ đang quản lý. Án lệ 05/2016 chỉ ra rằng tuy người quản lý không yêu cầu trả công sức quản lý nhưng họ yêu cầu hưởng toàn bộ tài sản là yêu cầu lớn hơn nên phải coi là họ có yêu cầu trả công sức quản lý. Tuy nhiên, trường hợp của vụ án này không giống với tình huống của Án lệ 05/2016. Trong vụ án này, Tòa án đã hỏi bà Nh rằng nếu không được công nhận sở hữu nhà thì có yêu cầu Tòa án giải quyết công sức quản lý không, bà Nh đã trả lời là không. Như vậy, trong trường hợp Tòa án đã hỏi mà đương sự vẫn không yêu cầu thì Tòa án không giải quyết về công sức (không thuộc trường hợp Án lệ 05/2016); sau này đương sự có quyền khởi kiện đòi công sức bằng vụ án khác. Có như vậy mới phù hợp nguyên tắc về quyền tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Những vụ tranh chấp thừa kế được xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo luật cũ hay luật mới?
Vụ án tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Nguyễn Văn X và bị đơn Phan Thị C ở tỉnh Khánh Hòa đã được xét xử phúc thẩm ( Bản án số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng). Bản án phúc thẩm này bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 18/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm, hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại. Việc giao xét xử sơ thẩm lại là để làm rõ về di sản thừa kế. Tuy nhiên, vấn đề thời hiệu khởi kiện vẫn được đặt ra cả trong Kháng nghị giám đốc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm. Đó là do trong quá trình xét xử vụ án này đã có những ý kiến khác nhau về xác định thời hiệu khởi kiện theo luật cũ hay luật mới.
Vụ án này là trường hợp thừa kế mở lần đầu năm 1973 (mẹ nguyên đơn chết) và thừa kế mở lần thứ 2 là năm 1993 (cha nguyên đơn chết). Trường hợp thừa kế mở trước ngày Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có hiệu lực (10/9/1990) thì thời hiệu khởi kiện tính từ 10/9/1990 (theo Khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh). Vụ án này được khởi kiện ngày 10/12/2009. Theo pháp luật ở thời điểm khởi kiện (Bộ luật Dân sự năm 2005) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm kể từ 10/9/1990. Theo pháp luật ở thời điểm xử sơ thẩm là ngày 08/9/2017 (Bộ luật Dân sự năm 2015) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm kể từ 10/9/1990. Như vậy, nếu theo luật mới thì trong mọi trường hợp, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vẫn còn.
Phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Ý kiến cho rằng phải áp dụng luật cũ căn cứ vào quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 Về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều 2 quy định đối với các tranh chấp… “phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 05/2011/QH12”.
Ý kiến cho rằng phải áp dụng luật mới căn cứ vào quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điểm d quy định là “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”
Như vậy là quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 khác với quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự. Từ Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016, TANDTC đã hướng dẫn áp dụng quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự (tức là áp dụng luật mới) cho cả các trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017. Hướng dẫn này dựa trên cơ sở quy định của Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 3 này quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.Nghị quyết 103/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 nên Bộ luật Dân sự là văn bản ban hành sau.
Quyết định giám đốc thẩm vụ án này tiếp tục khẳng định việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như hướng dẫn tại Giải đáp 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2017 là áp dụng quy định mới về thời hiệu của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cả những trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017, kể cả các vụ án đã được xét xử ở thời điểm trước 01/01/2017 nay xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.
Đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi có đơn tố cáo thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Trong thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013, các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Y đã cùng nhau lập 9 chứng từ khống, giả chữ ký chủ tài khoản và kế toán trưởng để chuyển 882 triệu đồng từ tài khoản của Công ty Thái Hòa tại Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Quốc tế sang tài khoản cá nhân rồi chia nhau. Khi Công ty Thái Hòa phát hiện, D, T, Y đã nộp lại 376 triệu đồng vào tài khoản của Công ty trước khi Công ty có đơn tố cáo với Cơ quan điều tra. Sau đó, D,T,Y lại nộp tiếp 446 triệu còn lại trước khi khởi tố vụ án hình sự.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án cấp phúc thẩm (Bản án hình sự phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) chỉ áp dụng Điểm a Khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 3 năm tù và đều cho hưởng án treo.
Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm, đề nghị hủy phần áp dụng pháp luật và hình phạt của bản án phúc thẩm để xét xử lại vì cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng sai khung hình phạt, áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ, ấn định mức hình phạt đối với các bị cáo không nghiêm.
Tại phiên họp ngày 21/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Trong nhận định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề cần lưu ý là:
Các bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản ở thời điểm chuyển được tiền sang tài khoản cá nhân. Ở thời điểm này, tội phạm đã hoàn thành. Do vậy, số lượng tài sản chiếm đoạt để xác định khung hình phạt phải là số tiền những người phạm tội đã chuyển được từ tài khoản của Công ty sang tài khoản cá nhân. Thực tế các bị cáo đã rút được tiền ra chia nhau. Do vậy, xác định các bị cáo phạm vào Khoản 4 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên) như bản án sơ thẩm là đúng. Bản án phúc thẩm không coi số tiền các bị cáo đã nộp lại trước khi bị tố cáo là tiền lừa đảo chiếm đoạt được nên chỉ áp dụng Khoản 3 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng) là không đúng.
Việc các bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền chiếm đoạt trước khi bị khởi tố chỉ là việc tự nguyện khắc phục hậu quả nên bản án sơ thẩm đã xác định các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 là đúng; bản án phúc thẩm lại áp dụng thêm Điểm g (chưa gây hậu quả) là không đúng.
Như vậy, dù đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi bị tố cáo thì người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được. Họ chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực khắc phục hậu quả.