Sáng nay 8/6, sau phần giải trình thêm của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề về nông nghiệp nông thôn.
Phiên chất vấn chất lượng, sát nội dung
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; được Đảng, Nhà nước ta coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp, cộng đồng hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cả nước, ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất do tác động của đại dịch Covid-19.
Sản xuất kinh doanh nông nghiệp đang triển mạnh nếu xu hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tang, bám sát nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng rõ rệt, bình quân khoảng 30%/năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.
Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tự phát phát triển còn thiếu bền vững, năng suất cây trồng, vật nuôi khá cao nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân chưa cao.
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để hiện thực hóa chủ trương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao.
Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn, có 4 ý kiến đăng ký tranh luận. 19 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội gửi văn bản cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính thời sự, cấp bách mà Nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
5 nhóm giái pháp cho ngành nông nghiệp thời gian tới
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã báo cáo về một số nội dung ĐBQH và cử tri quan tâm.
Phó Thủ tướng khẳng định, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cũng với việc chỉ ra những tồn tại hạn chế, Phó Thủ Lê Văn Thành cũng đã nhấn mạnh đến 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ triển khai thực hiện tới đây với ngành nông nghiệp.
Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, …với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.
Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảmcác loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân
Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.