Căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra trong xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, có thể thấy tình trạng làm đẹp bằng phẫu thuật ở Việt Nam hiện nay đang phát triển tràn lan và thiếu định hướng.
Trong hai ngày 04 - 05 /12, TAND Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại TMV Cát Tường. Án phạt cuối cùng dành cho hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh dựa trên những tình tiết, chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra là phần việc của Tòa án.
Cuộc trò chuyện hôm nay với LS. Trần Anh Dũng, chúng tôi muốn đem đến cho độc giả một cách nhìn về phẫu thuật thẩm mỹ dưới con mắt của luật sư, cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn những quy định, chế tài đối với ngành nghề này.
Bên cạnh đó, LS. Trần Anh Dũng đưa ra một vài lời khuyên đối với những người, đặc biệt là các bạn trẻ, đang có ý định tiến hành “nâng cấp nhan sắc” bằng con đường phẫu thuật thẩm mỹ…
LS. Trần Anh Dũng. Ảnh: NVCC
PV: Thưa anh, hiện nay có thể thấy tình hình phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ ở mọi lứa tuổi và tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn có thể dễ dàng đi thực hiện từ tiểu phẫu đến đại phẫu miễn sao có một vẻ đẹp ưa nhìn như các hot girl. Anh nghĩ gì về điều này?
LS Trần Anh Dũng: Trước hết chúng ta cần khẳng định và công nhận với nhau rằng, nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Ở góc độ nào đó, nhu cầu làm đẹp của con người trong xã hội sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của cuộc sống, mức độ phát triển của xã hội đó. Vì sao ư? Vì chỉ khi con người không còn phải lo lắng cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc nữa thì họ mới quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề khác trong đó có nhu cầu làm đẹp.
Tuy nhiên, mỗi một người, mỗi một xã hội, lại có quan điểm, quan niệm khác nhau về cái đẹp… Có những cái đối với người này là đẹp rồi, được rồi, nhưng đối với người khác lại chưa được đẹp. Và khi vấn đề về làm đẹp được xã hội quan tâm nhiều hơn thì chúng ta thấy vẻ đẹp sẽ được tiêu chuẩn hoá từ đó sẽ sinh ra các dịch vụ liên quan như dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp từ đơn giản như cắt tóc, làm đầu, chăm sóc da, cho đến phức tạp như phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình các bộ phận trên cơ thể.
Như vậy, nhu cầu làm đẹp dù ở cấp độ nào đối với mỗi cá nhân có nhu cầu thì nó cũng không xấu. Nhưng nếu như việc làm đẹp hoặc cung cấp dịch vụ làm đẹp bằng các biện pháp, phương pháp có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của con người thì đây không chỉ còn là vấn đề của cá nhân mỗi người nữa mà nó là vấn đề của các cơ quan nhà nước trong việc đào tạo chuyên môn, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp và quản lý hoạt động của các cơ sở này.
Ảnh minh họa
PV: Theo anh, liệu việc làm đẹp bằng can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ một cách tràn lan như vậy có phải là một trào lưu thiếu định hướng?
LS Trần Anh Dũng: Với tôi làm đẹp không phải là trào lưu, mà nó là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhu cầu này phụ thuộc vào quan điểm về cái đẹp mà xã hội theo một cách nào đó đã mặc nhiên công nhận. Ví dụ: Thời xưa ông bà ta có “mốt” nhuộm răng đen và cho đó là đẹp, nhưng ngày nay thì chả ai lại đi nhuộm răng đen cả mà phải nhuộm trắng hoặc làm cho hàm răng trắng, sáng bóng…
Pháp luật của nhà nước ta hiện nay đã có quy định khá chi tiết và nghiêm ngặt về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ. Song đứng ở quan điểm cá nhân tôi, căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra trong xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, có thể thấy tình trạng làm đẹp bằng phẫu thuật ở Việt Nam hiện nay đang phát triển tràn lan và thiếu định hướng.
Bởi, hiện nay còn có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức rất mơ hồ về cái đẹp hình thể, thậm chí thiếu hẳn kiến thức về sức khỏe nên không hiểu hết, không lường trước được những hệ lụy của việc làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ có ảnh hưởng xấu như thế nào đến sức khoẻ của mình. Nhiều bạn không ngại ngần bỏ ra một khoản tiền lớn để đi phẫu thuật thẩm mỹ, nâng mũi, nâng ngực, gọt cằm… bất chấp hậu quả trong tương lai sẽ ra sao.
Bên cạnh đó, cộng với sự nở rộ của các trung tâm thẩm mỹ, trung tâm tư vấn sắc đẹp được mở ra với mục đích chỉ để kiếm tiền mà không quan tâm hoặc không tư vấn đầy đủ cho khách hàng về vấn đề sức khỏe thẩm mỹ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người đua nhau đi phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp một bộ phận nào đó trên cơ thể mình mà không lường trước được hậu quả có thể xảy ra với sức khoẻ của mình. Ngoài ra còn phải kể đến việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý của nhà nước về vấn đề này còn nhiều bất cập và chưa thực sự hiệu quả dù pháp luật đã có văn bản điều chỉnh.
PV: Thực tế là rất nhiều người tìm đến các cơ sở làm đẹp tư nhân, thậm chí làm giấu diếm vì sợ người khác biết mình đi phẫu thuật thẩm mỹ. Xin anh cho biết ngành nghề này hiện đang chịu sự điều chỉnh của những quy định pháp luật nào? Và pháp luật quản lý có chặt chẽ các cơ sở làm đẹp hiện nay không? Quy định về xử phạt đã đủ tính răn đe?
LS. Trần Anh Dũng: Ở góc độ pháp luật hiện nay, Nhà nước đã ban hành luật, Chính phủ có Nghị định và Bộ Y tế đã có Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Chẳng hạn như: Luật khám chữa bệnh 2009, Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Có thể thấy, các văn bản đã này đã quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ, phạm vi hoạt động, trách nhiệm của các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra Bộ luật hình sự còn có điều khoản xử phạt đối với những cá nhân cố tình làm trái các quy định về khám chữa bệnh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người.
Theo tôi, pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ những nội dung cần thiết để cơ quan chức năng có thể quản lý loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, để hạn chế việc các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ được mở và phát triển tràn lan như hiện nay thì nhà nước cần xiết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động và số lượng các trung tâm thẩm mỹ cũng như chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
PV: Anh có thể cho biết cụ thể?
LS Trần Anh Dũng: Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu sẽ bị xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác còn là tội phạm được quy định tại điều 242 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù lên tới 15 năm, bên cạnh đó người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
PV: Đứng ở góc độ một người nghiên cứu luật pháp, ông có lời khuyên gì đối với những người có ý định đi phẫu thuật thẩm mỹ?
LS Trần Anh Dũng: Tôi chỉ xin lưu ý với mọi người một vấn đề mấu chốt rất quan trọng mà mọi người thường ít để ý hoặc không quan tâm là Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có thể có rất nhiều nhưng phạm vi được phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ của các phòng khám này rất hạn chế, chủ yếu họ chỉ được phép thực hiện các hoạt động như: Tạo má lúm đồng tiền, xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa ở vùng mặt, vùng cổ; Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai (Thuật ngữ chuyên môn gọi là tiểu phẫu).
Đặc biệt các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể (Đại phẫu). Hoạt động đại phẫu chỉ có các bệnh viện thẩm mỹ có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phép làm.
Do vậy, khi có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ thì mọi người cần hết sức lưu ý tìm hiểu thật kỹ thông tin về phạm vi hoạt động của phòng khám, trung tâm hoặc bệnh viện dự định tới để làm phẫu thuật. Trước khi thực hiện phẫu thuật các bệnh viện và phòng khám thường yêu cầu người làm phẫu thuật hoặc đại diện hợp pháp của người làm phẫu thuật ký cam kết, nên mọi người cần phải xem kỹ các điều khoản về kinh phí phẫu thuật, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trước khi ký cam kết.
PV: Dước góc độ là một luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại TMV Cát Tường, cụ thể là việc Nguyễn Mạnh Tường tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ và khiến nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị tử vong?
LS Trần Anh Dũng: Trước hết cần phải nói, việc một bác sĩ không có chuyên môn, nghiệp vụ về phẫu thuật thẩm mỹ như Nguyễn Mạnh Tường thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một phòng khám không những chưa được cơ quan chuyên môn cấp Giấy phép hoạt động mà còn nằm ngoài phạm vi chuyên môn mà một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được phép làm dẫn đến việc bệnh nhân bị tử vong là hoàn toàn trái pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường trong vụ xét xử hồi tháng 4 vừa qua
Không những thế, sau khi gây án, Nguyễn Mạnh Tường còn lôi kéo nhân viên của mình là Đào Quang Khánh tham gia vào vụ án bằng hành vi bọc kín rồi vứt xác nạn nhân xuống sông là việc làm hết sức nhẫn tâm, trái với đạo đức xã hội, gieo rắc thêm nỗi đau mất mát cho gia đình nạn nhân, gây phẫn uất trong dư luận xã hội. Hành vi của Nguyễn Mạnh Tường là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đáng bị lên án và xử phạt bằng một hình phạt nghiêm khắc để răn đe, làm gương cho kẻ khác, đặc biệt là đối với những phòng khám đang hoạt động chui lủi, đặt đồng tiền lên trên hết mà coi thường pháp luật, coi thường an toàn, tính mạng của người khác.
Nhân đây tôi cũng xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Và tôi cũng tin rằng Tòa án sẽ có một bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội đối với Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh để trả lại công bằng cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền và gia đình.
Xin cảm ơn anh!