Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã mở 5 hố khai quật khảo cổ với tổng diện tích 900 m2 tại khu vực cánh đồng Nội Trong, cánh đồng Hang Trâu và vườn chùa Nhất Trụ. Đây là những địa điểm đã được xác định có tư liệu vật chất của các công trình kiến trúc cung điện, cùng các ngôi chùa và miếu thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ 10, thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Qúa trình khai quật, cơ quan chức năng đã thu được tầng văn hóa, những di vật như sành, đất nung và đồ gốm men. Đặc biệt là những cấu kiện bằng gỗ - hiện vật của các công trình kiến trúc cổ. Khu vực Cấm thành là nơi ở của hoàng gia đã dần phát lộ. Trong đó, cánh đồng Nội Trong được nhận định là khu vực Hậu cung - nơi ở của hoàng thái hậu, hoàng hậu cùng các phi tần, cung nữ.
Tại đây, nhiều hiện vật như gạch, ngói có niên đại trước thế kỷ 10 vẫn được nhà Đinh - Tiền Lê sử dụng xây dựng. Những tư liệu thu thập ở khu vực này chứng minh nhà Đinh và sau đó là nhà Tiền Lê đã xây dựng kinh đô trên khu vực trước đây từng là trị sở của Trường Châu (thời thuộc Đường), tuy nhiên không gian kiến trúc lớn hơn so với không gian trị sở thời Bắc thuộc.
Tại cánh đồng Hang Trâu đã xác định nơi đây là không gian chuyển đổi giữa hai không gian kiến trúc khu Chính điện và Hậu cung của kinh đô Hoa Lư. Vào thời Đinh, đây là một khu vực sân vườn với những cây cổ thụ mọc trên địa hình tự nhiên. Đến thời Tiền Lê, nó chuyển đổi thành một nền sân đất nện được đắp bồi rất rộng. Như vậy, ngay từ lần đầu tiên tiến hành khai quật nghiên cứu, địa điểm Hang Trâu đã góp thêm những tư liệu mới để có nhận thức rõ ràng hơn về quy hoạch chung của nội đô Hoa Lư.
Còn khai quật khu vực chùa Nhất Trụ, đã xuất lộ 2 công trình kiến trúc phân bố ở phía Đông Bắc chùa. Đồng thời, xác định khu vực chùa Nhất Trụ có nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau. Các nhà khảo cổ đã xác định chi tiết hơn không gian phân bố các công trình kiến trúc ở Cấm thành và Hoàng thành Hoa Lư. Các nhà khảo cổ đã kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục bảo vệ hiện trạng di tích; giữ nguyên hiện trạng khu vực, dừng tất cả các hoạt động chôn cất mồ mả, xây dựng công trình, đào múc ao, hồ trái phép ở khu vực này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng nghiên cứu khu vực không gian phân bố quanh chùa Nhất Trụ.
Được biết, Hoa Lư được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ năm 968. Trong 42 năm đảm nhiệm vị trí là kinh đô của các triều Đinh, Tiền Lê và buổi đầu triều Lý, Hoa Lư đã trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của một nhà nước độc lập và tự chủ.