Từ thực tiễn đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình giáo dục vùng DTTS và miền núi cho thấy, mô hình trường PTDTNT, PTDTBT đã phát huy vai trò to lớntrong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hệ thống các trường này không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn tạo ra cơ hội công bằng hơn cho học sinh dân tộc, giúp họ phát triển tốt hơn và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước.
Chất lượng giáo dục trong hệ thống trường PTDTNT ngày càng được nâng cao
Trường PTDTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các DTTS vớimục tiêu đào tạo nguồn cán bộ cho vùng DTTS, miền núi, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.
Theo chia sẻ của T.S Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GDDT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 17 trường PTDTNT trong đó có 02 Trường PTDTNT cấp THPT và 15 trường PTDTNT - THCS cấp huyện (tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện đều có 01 trường PTDTNT – THCS). Có 06 Trường PTDTBT ở cấp huyện, trong đó có 04 trường PTDTBT– THCS, 01 trường PTDTBT - tiểu học ở huyện M’Drắk, 01 trường PTDTBT liên cấp tại huyện Krông Búk.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, những năm qua, hoạt động chuyên môn các trường PTDTNT, PTDTBT trên toàn tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh. Các hoạt động giáo dục ngoại khóa được tăng cường, tạo hứng thú cho các em học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT ngày càng nâng lên. Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình lớp học đạt 96%; HSDTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%. HSDTTS học đúng tuổi đạt 84,3%.
Bà Hoàng Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường PTDTNT -THCS Ea H’leo cho biết, trường có nhiều thành phần dân tộc như: Ê đê, Gia rai, Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Chức, HMông. Trường được đầu tư sở vật chất, trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, đội ngũ giáoviên có trình độ đạt chuẩn, giáo viên lựa chọn phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với học sinh DTTS. Kết quả, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THCS của trường luôn đạt 100% qua các năm. Nhiều em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện,…
Với việc phát triển nhanh về quy mô, số lượng và chất lượng, hệ thống trườngPTDTNT, trường PTDTBT đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS, miền núi. “Điều này thực sự là một minh chứng rõ ràng, hệ thống trường này đã tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận giáo dục chất lượng và tuân theo các tiêu chuẩn quốc gia, giúp họ có cơ hội tiếp cận môi trường học tập như bao học sinh khác”, T.S Hiệp nói.
Nâng cao vai trò, nhiệm vụ giáo dục văn hoá dân tộc
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc (VHDT) là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng. Qua việc truyền đạt kiến thức, giáo dục không chỉ giúp con người hiểu biết về truyền thống, văn hóa, mà còn khuyến khích sự tôn trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị đó.
Thực hiện tinh thần “Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021” với quan điểm “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Bộ GDĐT nói chung, Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn xác định công tác giáo dục bảo tồn bản sắc VHDT là yếu tố quan trọng,đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối với Đắk Lắk ngành GDĐT tỉnh đã tổ chức ngày hội giao lưu văn hoá, văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú theo Kế hoạch số 97/KH-SGDĐT ngày 08/11/2023 của Sở GDĐT. Tại Ngày hội, các em học sinh biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ như hát, múa, diễn tấu cồng chiêng, biễu diễn nhạc cụ dân tộc với chủ đề: Tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi về mái trường; các bài diễn tấu cồng chiêng theo nghi thức lễ hội của các dân tộc…
Theo T.S Đỗ Tường Hiệp, Ngày hội giao lưu đã đạt được mục đích đề ra là giao lưu văn hoá, văn nghệ cho học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT nhằm góp phần giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá cho học sinh trên địa bàn tỉnh; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác giáo dục bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc; tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giáo dục, bảo tồn bản sắc văn hoá DTTS trên địa bàn tỉnh; góp phần thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại trường PTDTNT Ea H’leo, việc giáo dục VHDT cho học sinh trong các trường được thực hiện thông qua việc tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tổ chức tốt các hoạt động duy trì bản sắc dân tộc như mặc trang phục dân tộc thứ 2 đầu tuần, các ngày lễ trong năm; tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ TDTT trong nhà trường cho học sinh.
Bà Hoàng Thị Tuyết cho biết: “Để nâng cao chất lượng giáo dục VHDT tại trường ngoài việc thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục VHDT; đổi mới nội dung phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục VHDT thì nhà trường cũng cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, đồng thời thực hiện tốt việc huy động sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động giáo dục VHDT thông qua việc mời các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động giáo dục VHDT, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh của nhà trường”.