Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Kon Tum sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng gắn với nhiều loại hình như tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán, lễ hội... đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa. Đây là lợi thế giúp tỉnh nhà phát triển du lịch bền vững, thu hút du khách đến trải nghiệm.
Xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) hiện là một trong những địa phương khai thác tốt các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm.
Hiện tại, địa phương đang tích cực duy trì và củng cố, nâng cao chất lượng 2 làng du lịch cộng đồng đã được công nhận cấp tỉnh là làng du lịch Kon Kơ Tu và Kon Jơ Ri. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tạo cảnh quan, trồng cây xanh, cây ăn trái xung quanh đường, vườn nhà, đăng ký làm du lịch, homestay, giữ gìn các nghề dệt, thủ công truyền thống.
Là một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, được sự vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà đã tận dụng đất vườn, đồi sẵn có để xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan, đưa những yếu tố văn hóa bản địa của người Bana vào cơ sở của mình. Đăng ký tham gia một số kênh truyền thông và có website riêng để giúp khách hàng tìm hiểu thông tin, các gói sản phẩm về homestay.
Bên cạnh đó bà còn liên kết với các hộ trong làng để đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm du lịch như dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống gắn với tham quan, tìm hiểu nghề truyền thống.
Không riêng thành phố Kon Tum, Khu du lịch Măng Đen (tại huyện Kon Plông) cũng đang từng bước phát triển mạnh mẽ, hướng đến trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mang đẳng cấp quốc tế. Trong đó, việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa được huyện xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, mang bản sắc vùng miền để giúp phát triển du lịch bền vững.
Nhờ những chính sách hiệu quả trong bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Kon Plông đã có tăng trưởng du lịch qua các năm tăng mạnh. Các hoạt động đầu tư phát triển du lịch trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều hiệu quả với 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình, công suất phục vụ trên 4.500 khách/ngày. Có 7 điểm du lịch cấp tỉnh và nhiều điểm, khu du lịch đang được đẩy mạnh phát triển để trở thành những địa điểm văn hóa, du lịch cộng đồng đặc sắc.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn với các chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 5 khách sạn cao cấp (từ 4-5 sao). Đẩy mạnh phát triển khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình, bình dân thu hút đầu tư 2 khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao; mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch, xây dựng được từ 1-2 sản phẩm du lịch đặc trưng...
Hiện, tỉnh Kon Tum có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ Ét Dong của nhóm Jơ Lâng (dân tộc BaNa) tại huyện Kon Rẫy, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bana và Gia Rai; ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo về du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch biên giới, khám phá, trải nghiệm thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, hiện địa phương đã cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, con người trong phát triển du lịch đã góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa.
“Thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục tham mưu các cấp lãnh đạo, phối hợp với các ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch. Huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở phục vụ du lịch. Ưu tiên sản phẩm đặc trưng, có bản sắc, nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, cộng đồng, nông thôn”, ông Bình nhấn mạnh.