Các nhà khoa học ở Trung Quốc mới phát hiện virus từ mẫu vật dưới Rãnh Mariana, nơi vốn được coi là sâu nhất trên Trái Đất, theo SCMP.
Theo các nhà khoa học, virus khổng lồ này có tên mimivirus, được lấy mẫu nghiên cứu từ lớp trầm tích dưới đáy biển ở vị trí sâu 11.000 m tại vực thẳm Challenger, thuộc rãnh Mariana.
Nhiều virus khổng lồ được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên trái đất, chủ yếu là những nơi có độ sâu cực hạn hoặc áp suất gấp 1.100 lần khí quyển. Điều này cũng có nghĩa virus thường xuất hiện ở những nơi có điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất.
Trước đó, các nhà khoa học từng thất bại trong việc lấy mẫu virus từ vực thẳm Challenger. Tuy nhiên 5 năm trước, tàu nghiên cứu Zhang Jian đã hoàn thành nhiệm vụ thu được đủ mẫu vật cho các nhà nghiên cứu. Đó là bộ gen của 15 loại virus và hơn 100 loại các vi sinh vật khác.
Nghiên cứu được các nhà khoa học đăng tải trên tạp chí Genome Biology.
Trong lần đầu phát hiện virus năm 1992, các nhà khoa học có chút nhầm lẫn virus mimivirus với vi khuẩn bởi chúng có thể tăng kích thước tối đa lên đến 700 nanomet. Thậm chí đôi khi có thể quan sát được bằng mắt thường.
Trong một số thí nghiệm của các nhà nghiên cứu, loại virus khổng lồ này có thể gây tổn thương mô tế bào ở động vật có vú, nhưng chưa có bằng chứng chứng chứng minh chúng có thể gây hại trực tiếp đến con người.
Một số nhà khoa học đặt giả thuyết rằng giống nhiều loại ký sinh trùng khác, mimivirus trải qua quá trình “tiến hóa ngược”, từ vi khuẩn thành virus.
Các nhà nghiên cứu đánh giá thông tin về gen của các vi sinh vật sống trong môi trường khắc nghiệt có thể giúp đóng góp trong việc nghiên cứu các công cụ sinh học, loài thuốc mới trong tương lai.