Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế mới đây đã phát hiện một thiên hà phát ra ánh sáng màu xanh nhạt nằm ở xa Trái Đất nhất, và có thể là cổ nhất so với các thiên hà được con người phát hiện từ trước đến nay.
Trong công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí vật lý học thiên thể số ra ngày 6/5, các nhà khoa học đến từ Đại học Yale và Đại học California của Mỹ cho biết, thiên hà EGS-zs8-1 ban đầu được phát hiện trong những hình ảnh được ghi lại từ kính viễn vọng Hubble và kính thiên văn không gian Spitzer của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Ảnh minh họa.
Sau đó, bằng cách sử dụng công cụ MOSFIRE của Đài thiên văn Keck đặt ở Hawaii (Mỹ), các nhà khoa học đã xác định được vị trí và ước tính thiên hà cổ xưa này đã hình thành cách đây khoảng hơn 13 tỷ năm. Thông qua việc đo đạc sự thay đổi của ánh sáng mà kính thiên văn thu được, nhóm nghiên cứu đã xác định EGS-zs8-1 được hình thành từ khi vũ trụ mới chỉ khoảng 670 triệu năm tuổi và đang trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình tạo sao với tốc độ gấp 80 lần so với thiên hà Ngân Hà. Đây cũng là thiên hà được ghi nhận là sáng nhất và xa xôi nhất mà con người từng biết đến khi nó cách xa Trái Đất 13,1 tỷ năm ánh sáng.
Giới nghiên cứu nhấn mạnh thời kỳ từ 500-600 triệu năm tuổi của vũ trụ là thời kỳ các thiên hà được hình thành và biến đổi rất nhanh. Phát hiện được các thiên hà cổ xưa nhất được hình thành gần như ngay sau vụ nổ Bigbang tạo ra vũ trụ khoảng 14 tỷ năm tuổi này, sẽ cung cấp những bằng chứng ngày càng rõ ràng và thuyết phục hơn về sự hình thành của vũ trụ.