Thay vì di truyền hay các yếu tố môi trường, một nghiên cứu khoa học của Mỹ cho rằng khoảng 60% các trường hợp mắc ung thư do lỗi phân tách tế bào và phụ thuộc nhiều vào "sự may rủi."
Theo nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Ung bướu Kimmel Johns Hopkins, 2/3 các trường hợp mắc các bệnh ung thư “quái ác” là do lỗi trong quá trình mã hóa gene (ADN) khi phân tách tế bào.
Nguồn: MedicineNet
Dựa vào dữ liệu nghiên cứu bệnh dịch và sắp xếp chuỗi DNA tại gần 70 quốc gia (tương đương 4,8 tỷ người), nghiên cứu đánh giá bệnh nhân thuộc 32 nhóm bệnh ung thư và kết luận khoảng 66% số biến dị gây ung thư bắt nguồn từ lỗi trong quá trình phân tách tế bào, chỉ 29% là do ảnh hưởng từ môi trường sống trong khi di truyền chỉ chiếm khoảng 5%.
“Có thể nói là sự may rủi trong quá trình phân tích mã di truyền gen ở mỗi người. Chúng ta đều biết rằng vẫn cần phải tránh các yếu tố môi trường nguy cơ gây ung thư như hút thuốc lá. Song không phải ai cũng biết rằng mỗi lần tế bào phân chia thành 2 tế bào mới có thể mắc phải nhiều sai lầm. Nó giống như việc đánh máy vậy. Bạn có thể giảm các lỗi đánh máy nếu bạn tập trung hoặc bàn phím không bị thiếu phím nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có lỗi xảy ra vì không ai có thể gõ hoàn hảo", tiến sĩ Critina Tomasetti, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết công trình của họ nhằm tìm lời giải đáp cho hàng triệu trường hợp mắc bệnh ung thư dù người bệnh duy trì một lối sống lành mạnh và tuân thủ mọi biện pháp phòng chống ung thư mà giới khoa học khuyến cáo.
Bên cạnh đó, nhóm mong muốn nâng cao nhận thức đối với các dạng biến dị gây ung thư để phát triển các phương pháp phát hiện sớm đối với căn bệnh nguy hiểm này.
Dù vậy, các nhà khoa học viện Ung thư Kimmel Johns Hopkins vẫn khuyên rằng, ngay cả khi nghiên cứu chỉ ra ung thư là đột biến ngẫu nhiên hay do sự may rủi của số phận, thì chúng ta vẫn luôn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa ung thư, duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là phải luôn “lắng nghe cơ thể”, thường xuyên thăm khám bệnh.