Phát hiện hành tinh khá tương đồng với Trái Đất

Minh AnhTheo Astronomy & Astrophysics| 06/02/2023 16:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, nhóm gồm 50 nhà thiên văn học từ khắp nơi trên thế giới đã xác nhận sự tồn tại của ngoại hành tinh Wolf 1069 b. Ngoại hành tinh Wolf 1069 b có khối lượng và kích thước khá tương đồng với Trái Đất.

Nhóm gồm 50 nhà thiên văn học từ khắp nơi trên thế giới đã xác nhận sự tồn tại của ngoại hành tinh Wolf 1069 b, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, Wolf 1069, cách Trái đất 31 năm ánh sáng.

Điều làm cho phát hiện này trở nên đặc biệt hấp dẫn là Wolf 1069 b có khả năng là hành tinh đá, có khối lượng lớn gấp khoảng 1,26 lần Trái Đất và kích thước lớn gấp 1,08 lần. Wolf 1069 b cũng quay quanh vùng có thể ở được quanh sao chủ, khiến nó trở thành ứng cử viên hàng đầu cho khả năng tồn tại nước lỏng trên bề mặt.

"Khi phân tích dữ liệu của ngôi sao Wolf 1069, chúng tôi đã phát hiện ra một tín hiệu rõ ràng về thứ dường như là một hành tinh có khối lượng gần bằng Trái Đất. Nó quay quanh sao chủ trong vòng 15,6 ngày ở khoảng cách tương đương 1/15 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời", Diana Kossakowski, nhà thiên văn học tại Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức – trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Phát hiện hành tinh khá tương đồng với Trái Đất

Theo các nhà nghiên cứu, ngoại hành tinh Wolf 1069 b có khối lượng và kích thước khá tương đồng với Trái Đất.

Trong khi đó, Sao Thủy - hành tinh gần Mặt Trời nhất, có chu kỳ quỹ đạo là 88 ngày và nhiệt độ bề mặt của nó lên tới 430 độ C. Không giống Sao Thủy, Wolf 1069 b nằm trong vùng có thể ở được quanh sao chủ mặc dù chu kỳ quỹ đạo ngắn hơn nhiều.

Điều này là do sao chủ của nó là sao lùn đỏ, nhỏ hơn nhiều so với Mặt Trời và Wolf 1069 b nhận được khoảng 65% bức xạ từ Mặt Trời so với Trái Đất. Nó tăng cường triển vọng về khả năng ở được của hành tinh này, với nhiệt độ bề mặt nằm trong khoảng từ âm 95,15 độ C đến 12,85 độ C, với mức trung bình là âm âm 40,14 độ C.

Một đặc điểm độc đáo của Wolf 1069 b là nó chịu ảnh hưởng khóa thủy triều từ sao chủ, nghĩa là một phía luôn ở trong ánh sáng ban ngày và phía đối diện luôn ở trong bóng tối. Tuy hành tinh này không có chu kỳ ngày/đêm như Trái Đất nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng rằng mặt ban ngày vẫn có thể ở được.

Khám phá đáng chú ý về Wolf 1069 b đã được thực hiện nhờ thiết bị CARMENES trên kính viễn vọng cao 3,5 mét tại Đài quan sát Calar Alto ở Tây Ban Nha. Theo Space.com, CARMENES có thể quan sát các vật thể thiên văn bằng cách sử dụng hai máy quang phổ riêng biệt ở kênh khả kiến và cận hồng ngoại.

Thiết bị đã phát hiện ra Wolf 1069 b bằng phương pháp phát hiện ngoại hành tinh được gọi là vận tốc xuyên tâm - phương pháp phát hiện những chuyển động nhỏ ở vị trí của một ngôi sao do lực hấp dẫn của hành tinh gây ra.

Kossakowski chia sẻ với Space.com: "Tôi muốn nêu bật nỗ lực đáng kinh ngạc của nhóm các nhà thiên văn học quốc tế trong việc khám phá một hành tinh hấp dẫn như vậy. Mọi người đều có đóng góp chuyên môn của riêng mình và nếu không có họ, khám phá sẽ không thể thực hiện được. Thiên văn học là một nỗ lực hợp tác với mục tiêu tiếp tục săn lùng các hành tinh thú vị hơn ngoài kia".

Với khoảng cách tương đối ngắn so với Trái Đất là 31 năm ánh sáng, Wolf 1069 b hiện là ngoại hành tinh lớn cỡ Trái Đất gần thứ 6, sau Proxima Centauri b, GJ 1061 d, Teegarden's Star c, và GJ 1002 b và c. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng các mô phỏng khí hậu chỉ ra rằng Wolf 1069 b thuộc nhóm nhỏ các ngoại hành tinh là mục tiêu tiềm năng trong việc tìm kiếm dấu vết sinh học hoặc dấu vết hóa học của sự sống.

Tuy nhiên, các công nghệ nghiên cứu thiên văn hiện tại chưa thể tiến hành các tìm kiếm như vậy. "Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi thêm 10 năm nữa cho việc này", Kossakowski cho biết.

Điểm lại 10 lần Kính viễn vọng Không gian James Webb đã làm rung chuyển ngành thiên văn học trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện hành tinh khá tương đồng với Trái Đất