Ngay khi phát hiện 3 ca bệnh bạch hầu tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch bạch hầu.
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, sau khi phát hiện 3 ca bệnh bạch hầu tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, trong ngày 21-22/10, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Nghệ An, CDC đã thành lập đoàn công tác lên phối hợp với chính quyền huyện Kỳ Sơn triển khai công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Hữu Lập.
Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, rà soát trẻ tại 2 điểm trường bản Chà Lắn, bản Xốp Thạng ( xã Hữu Lập), tiến hành cách ly, lấy 24 mẫu người lành mang trùng, gửi ra Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu.
Tổ chức rà soát, triển khai tiêm vắc xin DPT nhắc lại cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đồng thời cho 300 trẻ uống kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu.
CDC Nghệ An đã hướng dẫn địa phương khoanh vùng, cách ly, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực có dịch... Đồng thời yêu cầu địa phương cũng phải rà soát đối tượng để xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch nhằm ngăn chặn, khống chế kịp thời dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Đến thời điểm này, tình hình dịch ổn định, được kiểm soát tốt.
Hiện nay, sức khỏe 3 ca bệnh mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ổn định, chuẩn bị được xuất viện.
Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.
Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.
Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.