Phát động văn hóa đọc trong ngành Khoa học và Công nghệ

Thục Anh (TH)| 16/05/2022 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Văn hóa đọc sách là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng.

Nhằm hướng đến kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022); chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2022; hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát động phong trào đọc sách trong ngành khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Sách được coi là tinh hoa tri thức của nhân loại, là phương tiện quan trọng để con người tiếp thu tri thức và khẳng định vai trò quan trọng trong việc giúp con người tích lũy kiến thức, đưa xã hội ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ hơn.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sách, các phương tiện thông tin ngày càng trở nên đa dạng, văn hóa đọc đang bị cạnh tranh bởi truyền hình, mạng xã hội, youtube… khiến giới trẻ dần mất thói quen đọc sách, vì vậy, việc phát triển văn hoá đọc nói chung, văn hoá đọc trong ngành khoa học và công nghệ rất ý nghĩa, đặc biệt trong tháng kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với tinh thần đó, thay mặt lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi phát động phong trào đọc sách trong toàn ngành để việc đọc sách trở thành thói quen thường xuyên của mỗi cá nhân, đơn vị trong ngành khoa học và công nghệ.

chinh-thuc-co-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-308e35.jpg
Văn hóa đọc sách là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng (Ảnh minh họa).

Việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ, góp phần phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và năng lực sáng tạo của con người, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cá nhân, sự phồn vinh của xã hội, gia tăng các nguồn lực cho đất nước.

Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Phát triển văn hóa đọc là việc hướng đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, cộng đồng; làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu, trở thành nền nếp và ở phạm vi lớn hơn là trở thành chuẩn mực văn hóa quốc gia.

Cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết, là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng.

Cũng tại Lễ phát động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu 4 cuốn sách mới xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật gồm: Sổ tay thương mại hóa; Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021; Muôn nẻo đường đến thành công; Trí óc vận hành như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát động văn hóa đọc trong ngành Khoa học và Công nghệ