Báo Công lý trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tại Trung tâm Hội nghị Le Bourget, Paris, Cộng hòa Pháp.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi cảm ơn nước chủ nhà Cộng hoà Pháp, đã nỗ lực to lớn để tổ chức Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21). Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ và bày tỏ sự ủng hộ, tình đoàn kết thân thiết với nhân dân Pháp trước những tổn thất do các cuộc tấn công khủng bố vừa qua.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP-21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này. Việt Nam xin trao đổi một số nội dung như sau:
Một là, giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng chúng tôi tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020.
Hai là, đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG). Việc triển khai thành công Chương trình Nghị sự này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơnvà mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình.
Trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch và quý vị.