Xin nhận con nuôi, cần phải làm những thủ tục gì?

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla| 19/01/2020 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để quan hệ nuôi con nuôi được đảm bảo bởi pháp luật thì người nhận con nuôi phải làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỏi: Tôi là Trần Nguyên Sơn, sinh năm 1981, đang độc thân, là hàng xóm của gia đình anh Long, chị Linh- bố và mẹ của cháu Trần Minh Tiến, sinh năm 2007. Năm 2019, bố cháu bị tai nạn và mất, cháu sống tiếp với bà nội đã già yếu. Vì thương cảm cho gia đình và rất quý mến cháu nên tôi mong muốn nhận cháu Tiến làm con nuôi. Hiện tại, tôi đang lo ngại về việc tôi chưa được 40 tuổi thì không biết có được nhận nuôi con nuôi hay không và thủ tục để nhận cháu làm con nuôi là như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay việc nhận nuôi con nuôi đang trở nên khá phổ biến trong xã hội. Lí do nhận nuối cũng muôn hình vạn trạng nhưng phần lớn là muốn giúp đỡ cho hoàn cảnh của gia đình người được nhận nuôi. Hiện nay có 2 hình thức nhận nuôi con nuôi điển hình đó là quan hệ nuôi con nuôi về mặt xã hội và quan hệ nuôi con nuôi về mặt pháp lý. Để quan hệ nuôi con nuôi được đảm bảo bởi pháp luật thì người nhận con nuôi phải làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở trường hợp của bạn thì nếu muốn nhận nuôi con nuôi cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục sau:

Xin nhận con nuôi, cần phải làm những thủ tục gì?

Ảnh minh họa

Điều kiện nhận nuôi con nuôi

Điều kiện đối với người nhận con nuôi:

Theo như những gì bạn kể, bạn là hàng xóm của gia đình cháu Tiến và muốn giúp đỡ gia đình cháu bằng cách nhận cháu Tiến làm con nuôi sau khi bố mẹ cháu qua đời. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rất rõ về điều kiện và các thủ tục nhận nuôi con nuôi. 

Căn cứ vào khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi thì nếu bạn muốn nhận cháu Tiến làm con nuôi thì bạn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Căn cứ theo quy đinh tại khoản 2 điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 thì bạn sẽ không được nhận nuôi con nuôi nếu bạn đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Ở trường hợp này bạn đã hơn cháu Tiến 24 tuổi. Nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu ở bên trên thì bạn sẽ có đủ điều kiện để nhận cháu Tiến làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi:

Bạn không phải lả cha dượng, cậu, chú, bác ruột của cháu Tiến nên theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì Cháu Tiến phải đáp ứng được điều kiện cho người được nhận làm con nuôi là Cháu Tiến phải là “trẻ em dưới 16 tuổi”. Ở đây cháu sinh năm 2007 nên tính đến thời điểm này cháu 13 tuổi nên đủ điều kiện để được nhận làm con nuôi.

Bên cạnh đó Điều 8 cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Như vậy Cháu Tiến sẽ là con nuôi của 1 người độc thân là bạn, hiện nay chưa có bố, mẹ nuôi khác.

Sự đồng ý cho nhận con nuôi:

 Theo điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 thì việc nhận nuôi con nuôi cần phải có sự đồng ý cho làm con nuôi, ở trường hợp của bạn vì cha mẹ đẻ của người được nhận nuôi đã mất và người được nhận nuôi cũng đã trên 09 tuổi nên muốn nhận nuôi cháu Tiến thì phải được sự đồng ý của cháu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe doạ hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Thủ tục nhận nuôi con nuôi

Để đăng ký việc nuôi con nuôi trong trường hợp của bạn thì cần thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:

Hồ sơ của bạn gồm có:

-  Đơn xin nhận con nuôi;

-  Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

-  Phiếu lý lịch tư pháp;

-  Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

-  Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

Hồ sơ của cháu Tiến gồm có:

-  Giấy khai sinh;

-  Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

-  Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

-  Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ

-  Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Bạn phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của cháu Tiến tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin nhận con nuôi, cần phải làm những thủ tục gì?