Hoạt động "tín dụng đen" biến tướng khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty Luật Aladin| 19/04/2020 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoạt động "tín dụng đen" hiện nay có nhiều biến tướng, được núp bóng dưới dạng cầm đồ, thuê xe tự lái,.... khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện toàn quốc có gần 28 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (trong đó 640 cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoạt động tín dụng, 4.048 cơ sở có dấu hiệu cho vay tín chấp trái phép); 1.496 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép dưới các hình thức cho thuê xe tự lái, bán vé máy bay, hỗ trợ tài chính...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 1.174 vụ phạm pháp liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Cảnh sát Hình sự điều tra, xử lý hình sự 390 vụ, khởi tố, bắt giữ 1.084 đối tượng phạm tội. Những con số này cho thấy hoạt động tín dụng đen hay cho vay lãi nặng thời gian trở lại đây ngày càng phát triển với thủ đoạn trở lên tinh vi hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống của các cơ quan chức năng.

Quy định, chế tài đã có nhưng chưa tương xứng 

Pháp luật đã có những quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động cho vay, đơn cử như việc kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tín chấp sẽ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, điều kiện của chủ thể, địa điểm hoạt động kinh doanh… Chế tài xử lý đối với những vi phạm trong lĩnh vực này tùy từng trường hợp mà được xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối chiếu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành nhận thấy, hành vi "Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay" sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013); Hành vi cho vay nặng lãi có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm (Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, thực tế cho thấy, sự phức tạp của hoạt động cho vay lãi nặng còn xuất phát từ phương thức "đòi nợ thuê" của các nhóm xã hội đen. Những hành vi như hành hung, xông vào nhà, sử dụng vũ lực tấn công gia chủ, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà; uy hiếp người thân của con nợ,.... Những hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như Cố ý gây thương tích; Tội xâm phạm chỗ ở trái phép; Tội cướp tài sản…tùy vào tính chất và mức độ của các hành vi trên thực tế.

Hoạt động

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty Luật Aladin

Việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng đang gặp nhiều khó khăn

Để xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201, các cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi cho vay có mức lãi suất cao gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm theo Điều 468 BLDS), thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.

Tuy vậy, thực tế, hoạt động cho vay lãi nặng lại có nhiều biến tướng, thường được núp bóng dưới các tên gọi như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, tư vấn hỗ trợ tài chính… Lãi suất mà người vay phải chịu trên thực tế cao hơn rất nhiều lần so với mức lãi suất trần mà pháp luật quy định, và để "lách luật" các giấy tờ, hợp đồng vay chỉ thể hiện mức lãi suất thấp. Thậm chí, nhiều chủ nợ còn che đậy hành vi này bằng việc đến kỳ trả lãi sẽ bắt con nợ viết một giấy vay khác với số tiền bằng tiền gốc + tiền lãi trước đó nên khi điều tra, các cơ quan chức năng rất khó để chứng minh kết luận về hành vi vi phạm khi mà các chứng từ giao dịch đều tuân thủ các quy định của pháp luật.

Cũng phải nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay lãi nặng là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay lãi nặng thường phải có người tố cáo, người bị hại. Trong khi đó, trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu vay, nhận thức của người đi vay nóng không cao, khi túng quẫn chủ nợ đưa giấy tờ gì thì ký giấy đó..., chỉ đến khi chủ nợ hoặc nhóm xã hội đen có những hành vi đòi nợ thuê như cố ý gây thương tích, xâm phạm chỗ ở trái phép hay cướp tài sản… thì hành vi mới bị phát hiện và mới có thể xử lý hình sự một cách rõ ràng hơn.

Như vậy, để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng tăng nặng hơn nữa trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý, đồng thời siết sắt hơn nữa các điều kiện kinh doanh dịch vụ này và giới hạn chỉ những chủ thể nhất định mới được cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, từ đó để người dân nâng cao hiểu biết, ý thức để tự bảo vệ bản thân trước sự phức tạp từ hoạt động tín dụng đen trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động "tín dụng đen" biến tướng khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn