Có rất nhiều trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo do vi phạm Luật báo chí. Tuy nhiên, những người bị thu hồi cũng có thể được cấp lại thẻ hoặc trả lại thẻ theo quy định của pháp luật.
Gần đây, tôi thấy một số phóng viên, nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo vì vi phạm các quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí. Tôi băn khoăn không biết là trong trường hợp cụ thể nào thì nhà báo bị thu hồi thẻ? Nếu bị thu hồi thẻ thì có được cấp lại không?
Độc giả Nguyễn Thị Yến (Thanh Miện, Hải Dương)
Trả lời: Dựa trên những dữ liệu mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Theo qui định của pháp luật hiện hành về việc thu hồi thẻ nhà báo, pháp luật quy định như sau:
Khoản 2 điều 28 Luật báo chí quy định: Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người hoạt động nghiệp vụ báo chí khác vi phạm các quy định tại khoản 1 điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định số 02/2011/NĐ - CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản quy định “Tước quyền sử dụng thẻ nhà báo có thời hạn hoặc không thời hạn “ là hình thức xử phạt bổ sung.
Theo Thông tư của Bộ Văn hóa - Thông tin số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 “Hướng dẫn cấp đổi và thu hồi thẻ nhà báo” (nay vẫn còn hiệu lực), quy định: Người được cấp Thẻ nhà báo bị thu hồi Thẻ nhà báo trong các trường hợp:
a) Bị cơ quan tố tụng quyết định khởi tố bị can; b) Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong hai năm; c) Vi phạm các quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí, sử dụng Thẻ nhà báo không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng; d) Bị kỷ luật buộc thôi việc tại cơ quan báo chí.
Người bị thu hồi thẻ nhà báo chỉ được xét cấp lại thẻ sau một (1) năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi đối với trường hợp vi phạm quy định tại tiết b, tiết c, tiết d điểm 9.1 khoản 9 mục II; sau ba năm, kể từ ngày có quyết định xóa án đối với trường hợp vi phạm quy định tại tiết a điểm 9.1 khoản 9 mục II của Thông tư này.
Căn cứ thu hồi thẻ tại tiết a: Trong mọi trường hợp nhà báo bị khởi tố bị can, không cần chờ phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan có thẩm quyền có quyền thu hồi ngay thẻ nhà báo.
Cũng theo thông tư này, người bị thu hồi chỉ được trả lại thẻ khi có quyết định xóa án. Quy định này đã xác định nhà báo bị khởi tố là thu thẻ nhà báo nên chỉ giải quyết trả lại thẻ cho nhà báo sau 3 năm có quyết định xóa án, còn các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và bản án tuyên bố bị cáo không có tội thì thông tư không đề cập đến.
Căn cứ thu hồi thẻ nhà báo tại tiết c: “Vi phạm các quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí, sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng; (trường hợp này có thể nhà báo không bị xử phạt hành chính, không bị xử lý hình sự, không bị kỷ luật cảnh cáo trở lên) cũng bị thu hồi thẻ nếu gây hậu quả nghiêm trọng).
Tuy nhiên trường hợp nào là gây “hậu quả nghiêm trọng” để làm căn cứ thu hồi thẻ thì chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất.