Kỷ niệm về các vụ xét xử thì nhiều, nhưng tôi nhớ mãi một phiên xử khi tôi áp dụng án treo cho một bị cáo và đã phải chịu nhiều áp lực”. Đó là lời tâm sự của Thẩm phán Hoàng Văn Thắng – Phó chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Hôm ấy, sau đợt công tác mệt mỏi ở thành phố Vinh, 5 giờ chiều, tôi ra bến đón xe về Quỳnh Lưu. Trên xe chật ních người, đang loay hoay tìm chỗ thì tôi nghe tiếng ai đó gọi tên mình. Quay lại, tôi hỏi: "Cậu gọi tôi"?. “Chú Thắng, chú không nhận ra cháu sao?”. Tôi lắc đầu, cậu thanh niên sốt sắng nhường ghế cho tôi rồi nói: “Chú không nhận ra cháu cũng phải thôi, bao nhiêu công việc bộn bề ở Toà án, mỗi năm hàng trăm phiên xử, làm sao chú nhớ hết từng bị cáo”.
Rồi cậu hào hứng kể lại câu chuyện của mình: "Vào một buổi trưa 6 năm về trước, cháu đang nằm ngủ thì thằng bạn thân cùng xóm đến rủ đi “kiếm tiền”. Hắn lấy cái cuốc ngoài nương kêu thêm mấy thằng bạn cùng leo lên đồi vắng, nơi chôn cột ăng ten điện thoại. Bọn cháu cuốc đất, moi dây đồng tiếp đất và cắt dây điện trong phòng máy, đốt vỏ đem lõi bán cho hàng đồng nát, lấy tiền ăn chơi. Công an tỉnh mở cuộc điều tra, một tuần sau, chúng cháu bị bắt. Chúng cháu chưa hiểu biết lắm về luật nên tưởng là đơn giản, khi nghe thông báo mình bị truy tố tội “Phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, chúng cháu mới hoảng hồn, “thôi lần này thì chỉ có tù mọt gông, đời như thế là…hết”.
Thẩm phán Hoàng Văn Thắng - Phó chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu
Câu chuyện cậu thanh niên kể giúp trí nhớ của tôi quay về vụ án hình sự năm nào với 6 bị cáo bé nhỏ đứng lọt thỏm trước vành móng ngựa, mặt tái xanh. Ở hàng ghế thân nhân bị cáo, các bậc phụ huynh nhăn nheo còm cõi, chân đất áo đơn, khuôn mặt thấp thỏm lo lắng. Đến lúc này tôi mới nhận ra và thốt lên: “Thằng Vương! Cháu thay đổi nhiều quá”. “Dạ, cháu đã là sinh viên năm cuối khoa Luật, Đại học Vinh. Hôm nay cháu vào trường nộp khóa luận đề tài “Án treo và thực tiễn áp dụng”. Cuộc đời cháu có được như ngày hôm nay là nhờ chú cho hưởng án treo đấy”.
Cậu thanh niên tiếp câu chuyện: "Ngày đó, nghe vị đại diện VKS đọc bản luận tội mà cháu rụng rời cả chân tay, khi nghe đề nghị xử tù giam cách ly khỏi xã hội một thời gian, đất dưới chân cháu như lún xuống, tinh thần hoảng loạn, chỉ thiếu ngất xỉu tại chỗ. Ở hàng ghế sau, tiếng bố mẹ, chị em nức nở càng làm cho cháu não nề. Chẳng lẽ tương lai của mình chấm hết ư?. Cháu đã vậy còn bố mẹ sẽ ra sao? Gia cảnh nhà cháu nghèo nhất xóm, thu nhập chỉ nhìn vào 3 sào ruộng khoán, lấy gì để đền cho cơ quan viễn thông?. Đã vậy, hai em của cháu lại bị bại liệt, người chị chỉ học đến lớp 5 thì bỏ, cháu là niềm hy vọng của cả gia đình, vậy mà…".
Câu chuyện của hai chú cháu bị ngắt quãng bởi tiếng anh phụ xe hỏi tiền vé. Tôi lấy ví nhưng Vương đã nhanh tay trả tiền. Cậu ta bảo: “Bố mẹ cháu luôn nhắc nhở chú Thắng đã vượt qua dị nghị, áp lực, đặt niềm tin vào sự hối cải của con, con phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin đó. Sự cảm thông, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của chú mà nhà mình chưa gửi được một lời cảm ơn thật ấy náy. Nhưng từ đó đến nay, cháu có gặp được chú đâu”.
Rồi Vương tiếp tục dốc bầu tâm sự: "Cháu nhớ mãi hình ảnh uy nghiêm của chú tại phiên toà hôm đó. Cháu cũng không hiểu vì sao chú nắm bắt được cặn kẽ hoàn cảnh gia đình cháu. Chú nghiêm khắc chỉ ra những tội lỗi cháu mắc phải, nhưng lại phân tích đầy tình người, khoan dung và độ lượng, chỉ ra các tình tiết giảm nhẹ, những lỗi mà lớp trẻ thường mắc phải do hiểu biết pháp luật kém. Cháu nhớ mãi câu nói nghiêm khắc của chú: “Bản thân các cháu không phải là tài sản riêng mà là của cả gia đình, xã hội, là tài sản cha mẹ. Hãy sống sao cho xứng đáng với công sinh thành dưỡng dục. Đời các cháu còn dài, đừng phí phạm tuổi trẻ vào những việc vô bổ, từng ngày, từng giờ mình được sống thì hãy làm những việc có ích cho xã hội”.
Khi nghe chú tuyên đọc: “Để tỏ rõ tính nhân đạo của pháp luật XHCN, để bị cáo có cơ hội cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, HĐXX tuyên phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo”. Cháu đứng lặng, tưởng mình ngủ mơ và không tin đó là sự thật. Cho đến lúc bố mẹ anh em ào đến ôm chặt, vây quanh cháu mới biết mình vừa…chết đi sống lại.
Sau phiên tòa ấy, trở về nhà cháu lao động phụ giúp bố mẹ, từ bỏ mọi thói ham mê, chơi bời, lao vào học tập, tận dụng hết mọi thời gian và đã thi đậu đại học, 4 năm liên tục được nhận học bổng nhà trường và còn là một bí thư chi đoàn xuất sắc.
Trong khóa luận của cháu, cháu phân tích rất nhiều tính nhân đạo trong án treo của pháp luật XHCN mà thẩm phán toà án các cấp áp dụng cho cải tạo tại địa phương. Nó mang lại niềm vui cho nhiều người, cứu sống cả một gia đình khi người phạm tội là lao động chính và thực sự là cứu tinh của những thanh niên, những cán bộ công chức lầm lỗi”.
Kể đến đây, vị thẩm phán dừng lại, khuôn mặt trầm tư, nhấp ngụm trà rồi nói tiếp: “Làm nghề gì thì bên cạnh trách nhiệm phải luôn có tình thương. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để phân tích có tình có lý, để số đông tâm phục khẩu phục và quan trọng hơn là giúp người ta thấy được lỗi lầm, tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời. Ngày ấy cũng có nhiều ý kiến dị nghị, nhiều áp lực cho rằng phải tù giam mới đúng người đúng tội. Tuy nhiên xét thấy, các cháu tuy đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng thể trạng quá nhỏ bé so với tuổi. Chúng đang tuổi ăn, tuổi học, nếu cách ly khỏi xã hội liệu ra tù tương lai các cháu có tốt đẹp hơn không? Qua nghiên cứu hồ sơ và qua tiếp xúc tại phiên toà, trong nội tâm của tôi có một niềm tin tuyệt đối là cái tốt trong các cháu lớn hơn cái xấu nhiều, cần tạo điều kiện cho cái tốt phát triển và tôi tin chúng sẽ nên người. Nay gặp lại một trong số những đứa phạm tội ngày ấy, thấy nó nên người thật không có nỗi mừng nào lớn hơn khi nghề ta vẫn giúp ích cho đời”.