Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC của Trung ương vừa qua, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã có phát biểu tham luận đáng chú ý về lĩnh vực này.
Ông cho rằng, chính sách hình sự của chúng ta hiện nay đang có nhiều bất cập và nhiều “lỗ hổng”. Việc xử lý nghiêm những sai phạm là cần thiết, nhưng để khuyến khích được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì công việc chung cũng quan trọng không kém.
Đang có sự bất cập trong chính sách hình sự
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, thời gian qua, chúng ta tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, hệ thống chính trị, xử lý nghiêm những sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi một số quy định, khắc phục những bất cập và ‘lỗ hổng” pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.
Viện trưởng VKSNDTC dẫn lại việc vừa qua, một số vụ án liên quan đến ngành y tế, việc tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc, sinh phẩm và trang thiết bị y tế hiện đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực xã hội bị dừng lại. Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Dù vậy, chúng ta vẫn phải khắc phục sửa những cái sai đó để tiếp tục làm nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Bác sĩ của chúng ta có tay nghề, kinh nghiệm không thua kém các nước các nước tiên tiến, nhưng nếu không được đâu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại chúng ta sẽ bị tụt hậu. Nếu chờ nguồn ngân sách đầu tư sẽ bị chậm, người dân sẽ tìm đến các dịch vụ y tế này ở nước ngoài, chúng ta mất đi nguồn thu đáng kể đó. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn này.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng kiến nghị Quốc hội xem xét rà soát một số điều khoản trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), trong đó có quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219).
Cụ thể, khoản 1 của điều luật này quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 –5 năm.
Ông Trí cho rằng, điều khoản này rất nghiêm khắc, tạo áp lực và có thể tạo rủi ro cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước. Trong khi đó, theo quy định ở điều 219, chỉ cần vô ý, hoặc do bên dưới đề xuất mà kiểm soát không được, dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu tới dưới 300 triệu đồng là có thể ở tù 1-5 năm".
Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng có thể xem xét có quy định "mở" trong trường hợp này. Sau khi phát hiện sai phạm gây thất thoát, trong trường hợp khắc phục được thì có bị xử lý hình sự hay không? Theo ông Trí, với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà thất thoát 100 triệu đã phải phạt tù là rất nặng.
Ông Trí cũng cho hay, vừa qua Bộ Chính trị và Đảng đã có kết luận về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì công việc chung. Trong khi một bên là một điều khoản luật đang có hiệu lực thi hành rất nghiêm khắc, do vậy cần rà soát nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ quản lý, răn đe giáo dục, không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Nghiêm khắc và hướng thiện
Đề xuất của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí không phải là vấn đề mới. Hơn 7 năm trước, khi Bộ luật Hình sự được Quốc hội khóa XIII thảo luận cho ý kiến cũng đã đề cập đến vấn đề này. Nhiều đại biểu cũng đã đề xuất giảm phạt tù, tăng mức phạt tiền và thu hồi tài sản đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng.
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW cho rằng, với tội phạm tham nhũng, ngoài hình phạt thì điều quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Phải phân hóa các trường hợp phạm tội để khuyến khích người phạm tội tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản.
Ông nêu ví dụ, một người có hành vi tham nhũng, cơ quan chức năng chưa phát hiện ra; nhưng một thời gian sau, người đó thấy ăn năn, hối lỗi nên tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại toàn bộ tài sản thì trong trường hợp đó có nhất thiết phải xử lý hình sự nữa không? Ông cho rằng với trường hợp như thế có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khi bị phát hiện ra, đang trong giai đoạn điều tra, nếu người vi phạm nộp lại toàn bộ tài sản, khắc phục mọi thiệt hại, thì sẽ được coi là tình tiết để giảm nhẹ, thậm chí có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo.
Miễn xử lý hình sự là miễn với những trường hợp tự nguyện khai nhận, tự nguyện nộp lại tài sản khi mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra; còn khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ. Cho nên phải phân biệt thời điểm nộp lại tài sản thế nào và nộp lại bao nhiêu?
Hơn nữa, miễn xử lý hình sự không có nghĩa là cán bộ đó “bình yên vô sự”, ngồi yên trên chiếc ghế quyền lực, anh vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và kỷ luật hành chính Nhà nước, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức... Luật pháp nghiêm minh nhưng cũng phải nhân văn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói rồi, phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Đó còn là biện pháp để khuyến khích người ta nộp lại tài sản, tránh nguy cơ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Luật pháp không nên đẩy người ta vào tình trạng cực đoan để rồi không thu hồi được tài sản.
Ví dụ trong vụ AVG, các bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả; hay vụ Phan Sào Nam; vụ ông Nguyễn Đức Chung… đều đã nộp tiền để khắc phục hậu quả. Đặc biệt, kể từ khi quy định trên được thực hiện thì tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng rất cao. Mỗi năm chúng ta thu hồi được hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.
PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng, miễn xử lý hình sự không có nghĩa là cán bộ đó “bình yên vô sự”, ngồi yên trên chiếc ghế quyền lực, mà sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và kỷ luật hành chính Nhà nước, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức...
Pháp luật đâu chỉ trừng trị mà còn là giáo dục, hướng thiện, tạo điều kiện cho người ta khắc phục hậu quả.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp cũng đã nói rồi, là phải đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Do đó, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi chính sách hình sự đảm bảo nghiêm khắc, công bằng, và hướng thiện, như Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nêu ra.