Vụ Hồ Duy Hải: Căn cứ để HĐTP nhận định Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không đúng pháp luật

PV| 13/05/2020 06:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một vấn đề được dư luận quan tâm là căn cứ để Hội đồng Thẩm phán TANDTC (HĐTP) nhận định rằng: Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải là không đúng quy định của pháp luật.

Nội dung vụ án thể hiện: Sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn đề nghị xem xét Bản án hình sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là điểm e khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì “Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”; “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”.

Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đã có Quyết định không kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải và Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN-PL, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Theo HĐTP, pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính. Trong khi Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành nhưng Viện trưởng VKSNDTC lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo yêu cầu của Chủ tịch nước “bảo đảm đúng quy định của pháp luật” tại Công văn nói trên.

Vụ Hồ Duy Hải: Căn cứ để HĐTP nhận định Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không đúng pháp luật

Hội đồng Thẩm phán cho rằng, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là không đúng quy định pháp luật

HĐTP nhận định: Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác trừ các quyết định về thi hành án. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC. Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 28/4/2009.

Vấn đề được dư luận quan tâm là quyết định kháng nghị của VKS bị HĐXX cho rằng không đúng quy định pháp luật, vậy tại sao Tòa vẫn mở phiên giám đốc thẩm để xem xét các nội dung kháng nghị?

Trả lời báo chí, Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa, thành viên HĐTP cho biết: Theo quy định, tại phiên tòa giám đốc thẩm thì người kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Trong vụ án này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKS giữ nguyên kháng nghị. Do đó, HĐTP phải xem xét toàn bộ nội dung kháng nghị.

Chính vì vậy, những nội dung kháng nghị của VKS đã được các thành viên HĐTP làm rõ, từ việc Hải có mặt ở hiện trường hay không, Hải có thực hiện hành vi gây án hay không, đến những mâu thuẫn thể hiện trong hồ sơ, những vi phạm của cơ quan tố tụng cũng như căn cứ, thẩm quyền kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC.

Sau khi thảo luận, các thành viên HĐTP đã thống nhất kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không đúng pháp luật, không được quyền kháng nghị trong trường hợp này, vì vậy HĐTP đã quyết định không chấp nhận kháng nghị. Nghĩa là, dù kháng nghị có đúng thẩm quyền hay không thì vẫn phải mở phiên tòa giám đốc thẩm mới kết luận được việc đó.

Ở góc độ pháp lý, sau khi có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải, căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An mới ra quyết định thi hành án bản án này. 

Sau khi có Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án và yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại toàn diện vụ án đó xem Hồ Duy Hải oan hay không oan, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An đã ra quyết định tạm dừng thi hành bản án đối với Hồ Duy Hải. Như vậy, quyết định của Chủ tịch nước và quyết định thi hành án tử hình của Hội đồng thi hành án là hai quyết định trong thủ tục thi hành án hình sự.

Vẫn theo Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa, kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC căn cứ công văn của Văn phòng Chủ tịch nước để ra kháng nghị là không đúng. Bởi vì các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền. Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính. Hơn nữa trong công văn nêu trên, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước là đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét quyết định theo thẩm quyền và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Hồ Duy Hải: Căn cứ để HĐTP nhận định Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không đúng pháp luật