Xét xử phúc thẩm Cty Hưng Thịnh Phát kiện Cty Địa ốc Dầu khí vi phạm hợp đồng

PV| 25/04/2018 20:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/4, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Cty CP Địa ốc Hưng Thịnh Phát (Cty Hưng Thịnh Phát) và Cty CP Địa ốc Dầu khí (Công ty Địa ốc Dầu khí).

Chủ đầu tư vi phạm hợp đồng

Ngày 8/4/2011, Công ty Cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh Phát (HTP) và Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVL), nay là Công ty Cổ phần đầu tư Nhà đất Việt, ký hợp đồng môi giới độc quyền số 110/2010/HĐTTMG-PVL về việc tiếp thị và môi giới các căn hộ thuộc blockC, block D của dự án căn hộ Cao ốc Petro Việt Nam Landmark, quận 2 TP Hồ Chí Minh. Theo hợp đồng,  Công ty Hưng Thịnh Phát sẽ môi giới bán 139 căn hộ chia làm hai giai đoạn, hai bên thống nhất giai đoạn một để Công ty Hưng Thịnh Phát môi giới bán 86 căn hộ thuộc hai block trên, số còn lại sẽ tiến hành sau khi kết thúc giai đoạn một.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Hưng Thịnh Phát đã tiến hành hàng loạt các hoạt động nghiệp vụ thúc tiến thương mại để thực hiện nghiêm các điều khoản đã ký kết. Chỉ trong một thời gian ngắn, HTP đã môi giới thành thành công cho PVL ký hợp đồng bán 54 căn hộ. Mọi việc đang diễn ra khá thuận lợi thì ngày 21/9/2011, Công ty Địa ốc Dầu khí đã gửi công văn số 854/PVL-CV yêu cầu Công ty Hưng Thịnh Phát tạm dừng mọi hoạt động đang thực hiện theo hợp đồng môi giới số 110/2010/HĐTTMG-PVL với lý do để phục vụ công tác điều chỉnh phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay sau khi nhận được công văn 854 của PVL, phía công ty Hưng Thịnh Phát đã phản hồi bằng Công văn số 50 ngày 21/9/2011 thể hiện nội dung sẵn sàng hỗ trợ Công ty Địa ốc Dầu khí điều chỉnh phương án kinh doanh, thể hiện sự luôn hợp tác của phía HTP với đối tác. Sau đó Công ty Hưng Thịnh Phát nhiều lần gửi công văn yêu cầu công ty Công ty Địa ốc Dầu khí ngồi lại với nhai, họp bàn, làm rõ các nội dung và thanh lý hợp đồng nhưng phía công ty Công ty Địa ốc Dầu khí không hợp tác, trả lời.

Điều đáng nói hơn, ngay sau công văn 854/PVL-CV yêu cầu tạm dừng việc môi giới độc quyền của Công ty Hưng Thịnh Phát thì Công ty Địa ốc Dầu khí lại tự đứng ra chào bán các căn hộ đã ký kết trong hợp đồng môi giới trước đó với Công ty Hưng Thịnh Phát với giá 15.330.000 đồng thấp hơn nhiều giá so với giá trong hợp đồng số 110 và không thông qua sàn giao dịch của Công ty Hưng Thịnh Phát.

Xét xử phúc thẩm Cty Hưng Thịnh Phát kiện Cty Địa ốc Dầu khí vi phạm hợp đồng

Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Cty Hưng Thịnh Phát và Cty Địa ốc Dầu khí

Cần sự phán xét công minh, đúng pháp luật của Tòa

Ngay sau những động thái kỳ lạ của PVL, ngay lập tức công ty HTP đối diện với hàng loạt khó khăn biến động. Hàng loạt khách hàng vừa ký hợp đồng mua căn hộ với PVL thông qua môi giới của HTP chỉ trong chốc lát thấy mình mất trắng cả tỷ đồng khi giá bán được chủ đầu tư giảm xuống đến 35% đã kéo đến HTP gây áp lực đòi bồi thường. Với mong muốn giải quyết ổn thỏa cho các bên, phía HTP đã nhiều lần yêu cầu PVL ngồi lại đàm phán nhưng không được nên HTP đã kiện PVL ra tòa. Phiên tòa sơ thẩm vụ kiện đã diễn ra từ ngày 10 đến 13/7/2017 tại Tòa án nhân dân quận Từ Liêm, Hà Nội.

Sau khi xem xét các hợp đồng, công văn, chứng từ qua lại giữa các bên đồng thời nghe các bên tranh tụng tại tòa, Chủ tòa phiên tòa đã ra quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty HTP, buộc Công ty PVL phải bồi thường và trả cho HTP số tiền tổng cộng là hơn 15 tỷ đồng. Hội đồng xét xử cũng chấp nhận một phần phản tố của bị đơn, buộc phía HTP phải trả lại cho PVL số tiền hơn 4 tỷ là khoản tiền HTP đã tạm thu của khách hàng trước đó. Ngay sau phiên sơ thẩm, phía công ty PVL đã kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trần Tú Nga, đại diện công ty Hưng Thịnh Phát cho biết, sau khi ký khi ký hợp đồng với PVL, để đảm bảo tiến độ hợp đồng, nguồn nhân lực đổ vào dự án này là rất lớn bởi thời điểm ký hợp đồng cũng là thời điểm thị trường địa ốc đang đóng băng, nếu HTP không hoàn thành được tiến độ bán hàng như đã ký kết thì cũng phải bồi thường 10% giá trị hợp đồng. 

Đồng thời Công ty Hưng Thịnh Phát đã phải chi rất nhiều tiền cho các hoạt động PR-Marketing cũng như có chính sách ưu đãi riêng thu hút khách hàng mua căn hộ. Bằng tất cả nỗ lực của mình, Công ty Hưng Thịnh Phát đã đưa dự án của Công ty Địa ốc Dầu khí lên cao trào của đợt bán hàng, đem lại lợi nhuận không hề nhỏ cho Công ty Địa ốc Dầu khí. Chỉ trong thời gian chưa đầy 6 tháng, Công ty Hưng Thịnh Phát đã môi giới thành công 54 căn hộ, với mức giá là 23,8 triệu đồng/m2..

Bà Nga cho biết: “Việc PVL đơn phương chấm dứt hợp đồng và sau đó tự bán căn hộ với giá bán thấp hơn giá PVL giao cho HTP bán đã khiến HTP mất uy tín với khách hàng. Thời điểm đó rất nhiều khách hàng tưởng HTP lừa bán nâng giá đã kéo đến văn phòng công ty để gây áp lực, thậm chí đe dọa. Nhiều tờ báo đưa tin về vụ giảm giá này khiến nhiều đối tác của HTP dù trước đó tin tưởng đàm phán hợp đồng cũng quyết định ngưng hợp tác. Từ một doanh nghiệp có doanh số thu về mấy chục tỷ một năm, sau vụ tranh chấp với PVL đến nay HTP không thể ký thêm bất ký hợp đồng môi giới nào nữa. Thiệt hại không gì đong đếm được, nhất là đối với người lao động”.

Luật sư Đinh Thị Hoà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hưng Hòa & Cộng sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tân Thịnh Phát thẳng thắn nêu quan điểm: "Công ty Địa ốc Dầu khí đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ý tổ chức bán hàng và bán với giá thấp hơn giá đã ký với HTP là hành vi vi phạm hợp đồng trắng trợn vì vậy phía PVL phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại mà HTP phải gánh chịu theo như những điều khoản đã quy định trong hợp đồng ký kết giữa hai bên".

Về phía PVL tham gia tranh tụng tại phiên tòa, mặc dù có yêu cầu phản tố nhưng lại tự mâu thuẫn với chính mình so với phiên tòa sơ thẩm trước đó và cũng không đưa ra được thêm bất cứ chứng cứ gì để chứng minh đã tôn trọng hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Bà Trần Tú Nga đại diện Công ty Hưng Thịnh Phát đề nghị Toà án Nhân dân TP Hà Nội bác đơn kháng cáo của Công ty Địa ốc Dầu khí, giữ nguyên phán quyết như trong phiên tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm Cty Hưng Thịnh Phát kiện Cty Địa ốc Dầu khí vi phạm hợp đồng