Nhận 21 tháng tù vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Quách Chữ| 11/12/2019 22:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hầu hết các vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra do nguyên nhân lái xe chủ quan, lấn làn, không làm chủ tốc độ, vi phạm quy định của Luật an toàn giao thông. Tai nạn giao thông không chỉ gây nỗi đau cho người khác, mà cả bản thân người gây tai nạn.

Vừa qua, TAND huyện Hoằng Hóa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khánh, SN 1983, trú tại tỉnh Thanh Hóa 21 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 42 tháng về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14h00 ngày 02/07/2017 trên Quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Khánh có giấy phép lái xe hạng C, điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 36C-181.18, đi theo hướng Hà Nội - Thanh Hóa. Đến Km312+650 thuộc địa phận xã Hoằng Q, (tên địa danh đã được bản án mã hóa) huyện Hoằng Hóa, khi điều khiển xe trong làn đường bên phải dành cho xe cơ giới (giáp với làn đường dành cho xe thô sơ), Khánh phát hiện xe môtô biển kiểm soát 36F1-150.60 do chị Nguyễn Thị Hương ở xã Cầu Lộc điều khiển, chở bà Mai Thị Đông đi phía trước bên phải cùng chiều, theo hướng điều khiển của Khánh.

Lúc này, Khánh nhìn qua gương chiếu hậu thấy có xe ôtô tải chạy trong làn đường bên trái (giáp với dải phân cách cứng giữa đường) đang vượt, Khánh vẫn không giảm tốc độ mà đánh lái sang phải nhường đường cho xe xin vượt, nên đã va chạm vào xe máy do chị Nguyễn Thị Hương điều khiển làm chị Hương và bà Đông bị ngã xuống đường. Chị Hương bị thương, bà Đông được đưa đi Bệnh viện đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.

Nhận 21 tháng tù vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Khi tham gia giao thông mọi người cần chấp hành nghiêm các quy định 

Ngày 14/09/2017, TAND huyện Hoằng Hóa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự thụ lý số 87/2017/HSST ngày 28/08/2017 đối với bị cáo Nguyễn Văn Khánh về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Khánh đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn giao thông đường bộ, sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, được pháp luật bảo vệ. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, có hình phạt thích đáng, phù hợp nhằm giáo dục bị cáo và giáo dục chung cho xã hội.

Tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Xét bị cáo không có tiền sự, tiền án, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, người bị hại có đơn đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo, nên Hội đồng xét xử áp dụng các quy định của khoản 1, 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, giảm cho bị cáo một phần hình phạt, tạo điều kiện cho bị cáo cải tạo tốt và thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta. Áp dụng khoản 1 Điều 202, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, khoản 1, 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự; khoản 4 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khánh 21 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách 42 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nhận 21 tháng tù vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề (ảnh minh họa)

Vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Văn Khánh đã khép lại, nhưng nỗi đau của gia đình người bị nạn và sự dằn vặt của bị cáo Khanh sẽ không bao giờ nguôi ngoai suốt cuộc đời. Đây là bài học đắt giá cho những ai coi thường Luật lệ giao thông, chỉ một khoảnh khắc chủ quan khi tham gia giao thông đã gây ra hậu quả đau lòng cho xã hội và cho chính bản thân mình.

Trong vụ án này bị cáo Nguyễn Văn Khánh đã vi phạm Điều 14 Luật giao thông đường bộ:

1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận 21 tháng tù vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ