Huyền Như bất chấp thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền của khách hàng

Văn Vũ| 26/12/2014 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do vay “tiền đứng” phải trả lãi “giá cắt cổ” có khi lên đến gần 4%/ngày, Huyền Như đã không từ một thủ đoạn nào để chiến đoạt tiền của khách hàng, kể cả việc đẩy đồng nghiệp, nhân viên của mình vào con đường tù tội…

Huyền Như bất chấp thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền của khách hàng

Các bị cáo tại phiên tòa

Sáng nay 26/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Mở lời bào chữa cho bị cáo Tống Nguyên Dũng, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh, luật sư Trương Trọng Nghĩa thay mặt bị cáo cảm ơn đại diện VKS đã quan tâm đến tình tiết mới về nhân thân của bị cáo và đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Nghĩa tập trung phân tích những nội dung về bản án sơ thẩm nhận định và kết luận hành vi phạm tội đối với Tống Nguyên Dũng; về quan điểm tội danh và hình phạt; về các tình tiết giảm nhẹ…

Luật sư Nghĩa cho rằng, hành vi của Tống Nguyên Dũng trong bản án sơ thẩm quy kết về việc lập 59 hồ sơ tín dụng và đề xuất cho vay mà không có mặt khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh đã vi phạm pháp luật là không thỏa đáng.

Theo luật sư Nghĩa, việc bị cáo Huyền Như có trong tay 83 sổ tiết kiệm thật với tổng số tiền hơn 533 tỷ đồng do chính VietinBank phát hành và với nhiều bản sao CMND khác nhau của chủ sổ tiết kiệm, điều này làm cho bị cáo Dũng tin rằng, nếu không phải chủ sổ tiết kiệm đưa cho Như thật thì Như không thể có nhiều sổ tiết kiệm thật như thế để bảo lãnh cho khoản vay.

Chữ ký trong hồ sơ mở sổ tiết kiệm và chữ ký người bảo lãnh là chủ sở hữu sổ tiết kiệm trên hệ thống VietinBank là hoàn toàn trùng khớp. Những điều này khiến cho các bị cáo, trong đó có bị cáo Dũng càng thêm phần tin tưởng rằng người vay và người bảo lãnh là có thật. Cho nên việc cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm này mới không phát sinh bất kỳ khiếu nại hay tranh chấp của chủ sổ tiết kiệm nào.

Như vậy, bị cáo Dũng không hề biết việc khách hàng vay và bảo lãnh là do bị cáo Như dàn dựng, vì bị cáo Như đã lừa cả chính nhân viên, đồng nghiệp của mình.

Sau khi lập luận và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Nghĩa đề nghị HĐXX xem lại đường lối xét xử vụ án sau khi có phán quyết của vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Luật sư Nghĩa viện dẫn rằng, trong bản án này, hành vi của lãnh đạo ACB do có chủ trương ủy thác cho nhân viên của mình lấy tiền của ACB đi gửi tại các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất, sau đó không quản lý, tạo cơ hội cho Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB. Tòa tuyên các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài Nguyễn Đức Kiên 18 năm tù thì các bị cáo còn lại lãnh mức án cao nhất là 8 năm tù.

Luật sư Nghĩa cho rằng, hai vụ án có liên quan hữu cơ với nhau, nếu mức án trên là thỏa đáng thì cần xem xét lại việc định tội và lượng hình của vụ án này, nhất là đối với bị cáo Dũng và nhóm phạm tội vi phạm các quy định tín dụng.

Luật sư Nghĩa đề nghị HĐXX dành cho bị cáo Dũng một mức án thuộc khoản 1 Điều 179 BLHS, đó là cho hưởng án treo.

Bào chữa cho Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng, chính việc Hồ Hải Sỹ tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên của mình để đề xuất mở tài khoản cho một số cá nhân, trong đó có các trường hợp của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm là lẽ thường tình. Bên cạnh đó còn có sự hậu kiểm của cấp trên là Lương Thị Việt Yên là khâu cuối cùng để tính pháp lý của tài khoản được xác định. Nhưng ngay cả Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ đều đã đặt niềm tin không đúng chỗ vào bị cáo Võ Anh Tuấn, cấp trên trực tiếp và cũng là người góp sức đưa các bị cáo vào vòng lao lý.

Luật sư Trạch cho rằng, Hồ Hải Sỹ chỉ có một phần lỗi trong việc mở hai tài khoản tiền gửi cho Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm. Cấp sơ thẩm đã chưa xem xét toàn diện hoàn cảnh và điều kiện phạm tội của bị cáo và tuyên mức hình phạt quá nặng là không tương xứng.

Sau khi phân tích và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Trạch đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá lại và chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sỹ.

Tương tự, bào chữa cho Lê Thị Ngọc Lợi, luật sư Trạch cho rằng, sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm sống, mới vào làm việc 4 tháng nên bị cáo phải tuân thủ mệnh lệnh cấp trên là lẽ bình thường. Chưa kể, đây là một “cạm bẫy” đã được sắp đặt trước.

Sau khi phân tích các lý lẽ, luật sư Trạch đề nghị HĐXX, ngoài các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng thì áp dụng thêm Điều 60 BLHS cho bị cáo Lợi.

Bảo vệ cho VietinBank, luật sư Nguyễn Văn Trung tiếp tục phản bác kháng cáo NaviBank và 4 nhân NaviBank không còn quyền sở hữu đối với số tiền của mình.

Tại phiên tòa, luật sư Trung công bố các bút lục tại hồ sơ vụ án chứng minh NaviBank và 4 nhân viên đã chuyển nhượng toàn bộ số tiền gửi của của mình liên quan đến vụ án cho Công ty Lương thực Bắc Hà. 

Tương tự, phần bảo vệ cho VietinBank của luật sư Nguyễn Thị Bắc, luật sư Trung tập trung phân tích về các sai phạm của NaviBank trước khi mở tài khoản và chuyển tiền; về những hành vị tắc trách sau khi chuyển tiền vào tài khoản của VietinBank.

Luật sư Trung cho rằng, 14 nhân viên NaviBank chỉ ký tên, còn lại tất cả các thủ tục còn lại do Đoàn Đăng Luật thực hiện. Thậm chí, NaviBank nhờ nhân viên đứng tên nhưng tiền lãi do kế toán trưởng giữ vì sợ nhân viên sử dụng. Các nhân viên chỉ ký mở tài khoản, không có tiền để gửi, đứng tên giùm cho NaviBank. Các tài khoản này do Như và cán bộ NaviBank quản lý. NaviBank đã nhận 24 tỷ đồng tiền lãi và nhận lãi suất chênh lệch 9,3 tỷ đồng.

Sau khi phân tích và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Trung đề nghị HĐXX bác yêu cầu kháng cáo của NaviBank.

Tương tự, phần phản bác yêu cầu kháng cáo của Công ty Hưng Yên, luật sư Trung cũng tập trung phân tích về các hành vi thỏa thuận trái pháp luật của Huyền Như khi huy động tiền của Công ty Hưng Yên, đặc biệt là phần lãi suất vượt trần.

Sau khi lập luận và nêu căn cứ pháp lý, luật sư Trung đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Hưng Yên và kiến nghị của đại diện VKS.

Huyền Như bất chấp thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền của khách hàng

Luật sư Trương Thị Hòa tranh luận tại phiên tòa

Tương tự, trong phần bảo vệ cho VietinBank, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị HĐXX quan tâm xét xét các vấn đề liên quan đến phần thủ tục đối với phạm vi xét xử phúc thẩm…

Luật sư Hòa cho rằng, theo đơn kháng cáo của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, chỉ kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm tuyên xử buộc VietinBank liên đới với các bị cáo bồi thường số tiền 125 tỷ đồng. Như vậy, phạm vi xét xử, các đơn vị được quyền thay đổi nội dung kháng cáo, nhưng không được vượt quá nội dung kháng cáo. Nhưng tại phiên tòa, trong phần kháng cáo, luật sư và đại diện Công ty Hoàn Cầu lại yêu cầu VietinBank bồi thường toàn bộ số tiền này.

Trong phần phản bác ý kiến của Công ty Hoàn Cầu, luật sư Hòa tập trung phân tích về các quy định của luật tín dụng, bảo hiểm, Điều lệ của công ty; về thỏa thuận và chi trả lãi suất vượt trần…

Sau khi lập luận và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Hòa đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Toàn Cầu, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bảo vệ cho VietinBank, luật sư Trương Văn Tám phản bác kháng cáo của Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS). Giống như những đồng nghiệp bảo vệ cho VietinBank, luật sư Tám cũng tập trung phân tích về nguồn gốc tiền gửi của ORS, những “thỏa thuận ngầm” về lãi suất vượt trần; về quan hệ gửi giữ trong việc chuyển tiền vào tài khoản thanh toán; về hành vi chiếm đoạt của Như…

Sau khi phân tích và nêu căn cứ pháp lý, luật sư đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm, bác kháng cáo của ORS và ý kiến của đại diện VKS.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền Như bất chấp thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền của khách hàng