Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị công ty nước ngoài khởi kiện

Đoàn Nga| 06/01/2015 17:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không đồng tình với Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về giải quyết khiếu nại nhãn hiệu hàng hóa, Công ty Malco Product (Mỹ) đã khởi kiện đề nghị hủy bỏ một quyết định mới ban hành.

Theo đơn khởi kiện, Công ty Malco đã có tranh chấp với Công ty Dầu nhờn và Hóa chất Hiệp Tiến Long về nhãn hiệu hàng hóa. Quá trình giải quyết khiếu nại tại Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học Công nghệ, cơ quan quản lý đã ban hành văn bản hành chính mà Malco cho rằng vi phạm các quy định của Luật khiếu nại.

Công ty Malco là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm phụ gia nhớt dành cho xe ô tô và hóa chất cho linh kiện ô tô. Từ năm 1993, công ty này đã sở hữu hai nhãn hiệu là “US và Hình” và “Hình” được gắn trên sản phẩm, sử dụng rộng rãi.

Năm 1995, Công ty bắt đầu bán sản phẩm vào thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối độc quyền là Công ty Vĩnh Hằng. Sau 10 năm hợp tác, đến năm 2004, Malco chấm dứt quan hệ với Công ty Vĩnh Hằng và chuyển sang hợp tác với Công ty Gia Bửu.

Do bị Malco chấm dứt hợp đồng phân phối, bà Huỳnh Thị Lan, Giám đốc Công ty Vĩnh Hằng đã lập một công ty khác – Công ty Dầu nhờn và Hóa chất Hiệp Tiến Long rồi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “PT & Hình”.

Malco đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đối với “PT & Hình”. Nguyên nhân là vì nhãn hiệu “PT & Hình” đã lấy toàn bộ hình ảnh, tổ hợp, bố cục và cấu trúc hình ảnh, màu sắc, chỉ thay chữ US bằng chữ PT gây ra nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Malco.

Quá trình giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận nhãn hiệu “PT & Hình”.

Sau đó, Công ty Hiệp Tiến Long đã khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ và đến ngày 18/10/2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã ký ban hành Quyết định 3185/QĐ-BKHCN trong đó có nội dung hủy bỏ quyết định nói trên của Cục Sở hữu trí tuệ, tức là khôi phục bảo hộ cho nhãn hiệu “PT& Hình”.

Cho rằng Quyết định 3185 vi phạm các quy định của Luật khiếu nại tố cáo, Công ty Malco đã đệ đơn khởi kiện lên TAND thành phố Hà Nội yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định này.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Malco cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết khiếu nại không đúng quy định pháp luật, Bộ không thông báo cho bên liên quan là Công ty Malco, không tổ chức đối thoại cũng không gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho Malco.

Chưa kể, thời hạn giải quyết khiếu nại cũng bị vi phạm. Theo quy định, thời hạn tối đa phải giải quyết khiếu nại là 70 ngày, nhưng sau khi Công ty Hiệp Tiến Long nộp đơn khiếu nại thì 790 ngày sau, tức là hơn 2 năm, Bộ mới có quyết định giải quyết khiếu nại.

Về nội dung khiếu nại Malco cho rằng, Công ty Hiệp Tiến Long đã không trung thực, cạnh tranh không lành mạnh, lấy cắp nhãn hiệu “US & Hình”. Malco đã sử dụng và được bảo hộ với nhãn hiệu “US & Hình” trong gần 60 năm trên thế giới. Sản phẩm phụ gia dầu nhớt của Công ty đã bán tại Việt Nam 10 năm trước khi Hiệp Tiến Long đăng ký nhãn hiệu.

Nhãn hiệu “PT & Hình” sao chép toàn bộ nhãn hiệu “US & Hình” của Malco, chỉ thay đúng chữ US bằng chữ PT, theo Malco, đây là hành vi ăn cắp nhãn hiệu.

Có một điều bất ngờ là tại phiên tòa sơ thẩm, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Như Quỳnh, đại diện theo ủy quyền của Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trình tòa một văn bản.

Đó là Quyết định 3189 ngay trước khi phiên tòa diễn ra 1 ngày, do Bộ trưởng Nguyễn Quân ký. Quyết định này sửa đổi Quyết định 3185 và có nội dụng sửa đổi: Chấp nhận khiếu nại của Hiệp Tiến Long, yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ quyết định trước đó, tức là khôi phục sự bảo hộ đối với nhãn hiệu “PT & Hình”.

Đại diện của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quá trình giải quyết khiếu nại đã xem xét kỹ lưỡng khía cạnh “tương tự gây nhầm lẫn” và “không trung thực”, nhưng tại thời điểm đó, không có căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn để hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 3815, khôi phục sự bảo hộ cho nhãn hiệu “PT & Hình”.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX cho rằng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đảm bảo đúng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Về nội dung, tòa cấp sơ thẩm cho rằng, không có căn cứ để xác định Công ty Hiệp Tiến Long không có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Do đó, việc giải quyết khiếu nại, của Cục Sở hữu trí tuệ, hủy bỏ văn bằng bảo hộ của Hiệp Tiến Long là không chính xác.

Đáng lẽ, khi giải quyết khiếu nại lần hai của Hiệp Tiến Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ văn bản của Cục. Thay vào đó, Bộ trưởng lại trực tiếp hủy bỏ văn bản của Cục là không đúng với quy định luật pháp.

Tuy nhiên, trước phiên tòa một ngày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành một quyết định mới, sửa đổi Quyết định 3185, yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ hủy bỏ văn bản của Cục.

Từ đó, HĐXX cho rằng Quyết định 3185 không còn là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và bác đơn khởi kiện của Công ty Malco.

Sau phiên tòa, Công ty Malco đã làm đơn kháng cáo. Malco cho rằng, không thể vin vào việc Quyết định 3185 đã được sửa đổi để bác đơn của công ty này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị công ty nước ngoài khởi kiện