Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Khôi Anh| 28/08/2017 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong số 51 bị cáo đưa ra xét xử lần này, có 3 bị cáo xin xử vắng mặt vì lý do sức khoẻ và sinh con, trong đó có bị cáo lớn tuổi Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn, SN 1947, quê Đồng Tháp), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phú Mỹ.

Theo Luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn, hiện nay sức khoẻ của bị cáo đang nguy kịch. "Bị cáo Hứa Thị Phấn đang phải nằm viện và trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, huyết áp cao, sức khỏe càng ngày càng nguy kịch. Việc viết đơn xin vắng mặt tại phiên toà cũng do người đại diện viết hộ. Kết quả giám định của Hội đồng giám định pháp y, sức khỏe bị cáo Phấn suy giảm 93%, do đó đề nghị phiên tòa cho phép bị cáo Phấn được vắng mặt trong thời gian diễn ra phiên tòa”.

Bị cáo Phấn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự.

Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Hà Văn Thắm tại phiên xét xử sáng nay

Trong sáng nay, HĐXX dành thời gian để hỏi về thân nhân của 51 bị cáo. Ngoài 51 bị cáo tham gia phiên tòa, TAND Hà Nội còn triệu tập 747 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vụ án.

Tại phần thẩm vấn về nhân thân, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, quê tại Ninh Bình), nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, công ty được Hà Văn Thắm lập ra để chi lãi ngoài cho khách hàng của OceanBank, đồng thời là thư ký HĐQT OceanBank đã bật khóc nức nở. Ngoài bị cáo Tứ, nhiều bị cáo nữ khác cũng bật khóc khi trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Bị cáo Tứ bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự.

Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ khóc nức nở tại phiên toà sáng nay

Trong số 51 bị cáo đưa ra xét xử lần này, có 4 bị cáo "mới" xuất hiện sau kết quả điều tra bổ sung gồm có Phạm Công Danh (SN 1965) - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Hứa Thị Phấn (SN 1947) - đại diện nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín; Trần Văn Bình (SN 1966) - Giám đốc Công ty Trung Dung (do Danh lập ra) và Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty BSC, doanh nghiệp do Thắm lập ra.

Lý do 4 bị cáo này bị đưa ra xét xử với Hà Văn Thắm cùng đồng phạm là đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại yếu kém. Do muốn thâu tóm Ngân hàng Đại Tín vào Oceanbank nên Thắm gặp Hứa Thị Phấn đặt vấn đề chuyển giao chủ sở hữu. Vậy nhưng sau đó, Thắm lại “đá” phi vụ mua bán ngân hàng này cho Phạm Công Danh. Và để có tiền mua Ngân hàng Đại Tín, bộ ba Thắm, Danh và Phấn đã bàn bạc và dùng một số tài sản là nhà đất, dự án (chưa đủ điều kiện) làm tài sản bảo đảm cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank. Sau đó, phần lớn số tiền này rơi vào nợ xấu, rất khó có khả năng thu hồi. Cũng chính vì thế Danh, Phấn và Bình bị cáo buộc đồng phạm với Thắm về hành vi vi phạm quy định cho vay.

Trong phiên tòa này, hơn 40 phóng viên các cơ quan báo chí được bố trí tác nghiệp trong một phòng riêng biệt, theo dõi qua màn hình tivi.

Một số hình ảnh các bị cáo khác tại phiên toà:

Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Bị cáo Phạm Công Danh

Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu

Bị cáo Nguyễn Minh Thu

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm bị truy tố về 4 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này bị truy tố về 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả điều tra bổ sung đối với vụ án này cho thấy, tính đến tháng 3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng và gồm 1.137 cổ đông (trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ).

Cáo buộc của cơ quan tố tụng xác định, trong quá trình hoạt động, Thắm cùng đồng phạm đã có nhiều vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Tội phạm mà Thắm cùng các bị cáo liên quan gây ra đã làm thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước). Đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ. Theo đó, tổng số tiền mà Thắm cùng các đồng phạm liên quan gây thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Hà Văn Thắm: Hứa Thị Phấn vắng mặt, nhiều bị cáo bật khóc ngay khi phiên toà bắt đầu