Vụ lừa đảo tại dự án nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội: VKS đề nghị tới trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm

Mạnh Hùng| 15/03/2018 22:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 2 ngày xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội, chiều muộn ngày 15/3, đại diện VKS đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, vị đại diện Viện KSND cho rằng, mặc dù Dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội chưa được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chưa triển khai thiết kế xây dựng và chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà và Công ty Hồng Hà chưa nhận khu đất trên thực tế, chưa triển khai thực hiện dự án theo các bước quy định nhưng các bị cáo đã ký hợp đồng bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc với khách hàng (thực chất là bán căn hộ).

Khi phát hiện ra sự việc, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán căn hộ nói trên. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục bán căn hộ, huy động vốn của khách hàng. Các bị cáo đã lợi dụng và lấy danh nghĩa công ty lừa dối khách hàng góp vốn, đặt cọc với 146 lượt người thu số tiền gần 170 tỷ đồng rồi chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật.

Công tố viên cho rằng, việc Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người đúng tội. Hậu quả vụ án xảy ra đặc biệt lớn với số tiền chiếm đoạt gần137 tỷ đồng, do bị hại tin tưởng các giấy tờ "hợp lệ" mà nhóm bị cáo đưa ra, để nộp tiền.

Vụ lừa đảo tại dự án nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội: VKS đề nghị tới trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Trong bản luận tội, đại diện Viện KSND còn nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét một phần trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm và một phần trách nhiệm của cấp trên Công ty Hồng Hà, trong quá trình giám sát hoạt động không chặt chẽ nên dẫn tới hậu quả như ngày hôm nay”.

Theo công tố viên, để xảy ra hậu quả trên, cũng cần đề cập tới trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư không quản lý chặt chẽ các văn bản của mình đã phát hành, để cho các bị cáo lợi dụng làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng. Đồng thời, phía cơ quan chủ quản của Công ty Hồng Hà đã thiếu giám sát, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn Công ty Hồng Hà chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Với những phân tích nêu trên, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án đối với các bị cáo. Cụ thể: Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) mức án tù chung thân, Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, em trai bị cáo Thắng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội - gọi tắt là Công ty Hà Nội) mức án từ 18-20 năm tù và Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà - gọi tắt là Công ty Hồng Hà) mức án từ 13-15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, đại diện Viện KSND TP Hà Nội còn đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

Cũng tại phiên tòa xét xử, các bị hại nêu, khi đại diện Công ty Hồng Hà là bị cáo Thanh, Xương "kêu gọi góp vốn" vào dự án và đưa ra các văn bản, quyết định của chính quyền, các bị hại đã tin tưởng nộp tiền, mong muốn được mua nhà. Họ đã nộp tiền theo quy định của pháp luật và có con dấu, chứng từ hóa đơn.

Ngoài ra, các bị hại không đồng tình với đề nghị của VKS buộc các bị cáo phải bồi thường, bởi khi các bị hại ký hợp đồng là ký với pháp nhân (Công ty Hồng Hà).

HĐXX sẽ tuyên án với các bị cáo vào 15h chiều chủ nhật (18/3) tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ lừa đảo tại dự án nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội: VKS đề nghị tới trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm