Những người “vá lành” sự rạn nứt gia đình

An Dương| 12/08/2015 07:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong cuộc sống vợ chồng, nhiều người thường lấy lý do mâu thuẫn kéo dài, không thể hòa hợp, hạnh phúc khó thành để đơn phương hoặc cùng nhau ra Tòa yêu cầu ly hôn.

Qua công tác hòa giải, các Thẩm phán giải quyết án hôn nhân gia đình đã “vá lành” được những mâu thuẫn vợ chồng, giúp họ xích lại gần nhau khi hôn nhân đã đứng bên bờ vực đổ vỡ…

Thời gian gần đây, lượng án hôn nhân gia đình tăng rất nhanh, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2015, hệ thống Tòa án hai cấp của tỉnh đã thụ lý hơn 2.200 vụ án, tăng gần 300 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tổng số hơn 1.300 vụ án giải quyết xong, có gần 900 vụ hòa giải thành, hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Những người “vá lành” sự rạn nứt gia đình

(Ảnh minh họa)

Chị Trần Thị Minh (25 tuổi), người đơn phương yêu cầu tòa giải quyết ly hôn tâm sự: “Em lập gia đình năm 20 tuổi, quá trình chung sống, vợ chồng em cũng êm ấm, hạnh phúc, con cái xinh xắn, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, bữa cơm tối thường vắng mặt chồng em do anh ấy phải ăn nhậu, ngoại giao, tiếp khách làm ăn. Chuyện này khiến em bị tổn thương và nhiều lần hai vợ chồng to tiếng, mâu thuẫn từ bé dần xé ra to. Em nghĩ rằng, chồng thiếu quan tâm và tôn trọng vợ, cuộc sống khó đạt hạnh phúc nên đơn phương nộp đơn ra Tòa yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Em yêu cầu nuôi con trưởng thành, không cần sự cấp dưỡng của chồng…”.

Tuy nhiên, chị Minh cho biết, qua công tác hòa giải, Thẩm phán đã chăm chú lắng nghe, ân cần giải thích, phân tích đúng sai. Sự lắng nghe và chia sẻ của người Thẩm phán giúp chị nhìn nhận lại sự việc một cách bình tĩnh, không thể thụ động để gia đình đổ vỡ. Vợ chồng nên  thông cảm, biết sửa chữa và bỏ qua cho nhau những lỗi lầm nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chính vì thế, vợ chồng chị đã cùng nhau hàn gắn, chủ động thay đổi cách sống với quan niệm mỗi thành viên phải có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình. 

Theo Thẩm phán Cao Minh Vỹ, TAND TP. Bà Rịa, khi giải quyết các vụ án hôn nhân - gia đình, người Thẩm phán phải nhìn ra được mâu thuẫn trong đời sống của các cặp vợ chồng, từ đó tháo gỡ từng nút thắt. Nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ án ly hôn là tình trạng mâu thuẫn kéo dài, vợ chồng không còn tình cảm với nhau, đó là sự bất đồng quan điểm sống đối với các vấn đề phát sinh trong đời sống chung, hai bên thiếu sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau dẫn đến hệ quả phát sinh là tính tình không hợp và không còn yêu thương nhau nữa. Khi hòa giải, Thẩm phán phải tạo điều kiện cho các đương sự trình bày những tâm tư, nguyện vọng, nói ra những bức xúc của họ. Trên cơ sở đó, phân tích sao cho thấu tình, đạt lý để các bên nhận ra lỗi lầm và tha thứ cho nhau. Vì vậy, ngoài việc căn cứ vào pháp luật, người Thẩm phán phải có vốn sống và nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hôn nhân - gia đình.

Thẩm phán Trịnh Thị Trung, Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2014 chia sẻ: Đối với các vụ án phức tạp về hôn nhân và gia đình, khi chọn Thẩm phán không những chỉ cần kiến thức giỏi chuyên môn mà cần chọn Thẩm phán có kiến thức xã hội sâu rộng, kinh nghiệm cuộc sống gia đình để giải quyết. Ngược lại, nếu giao cho Thẩm phán trẻ chưa có kinh nghiệm giải quyết thì hiệu quả mang lại sẽ không cao. Khi hòa giải, Thẩm phán phải xác định mục đích của việc giải quyết án ly hôn không phải là cho ly hôn mà phải làm thế nào tránh sự đổ vỡ của một gia đình, tránh cho xã hội và các thành viên khác trong gia đình họ phải đón nhận hậu quả xấu.

Quan hệ  hôn nhân phải được tạo lập và xây dựng trên cơ sở tình yêu thương chân thật và sự tự nguyện của vợ chồng mới có được hạnh phúc gia đình và quan hệ hôn nhân bền vững. Những biểu hiện của sự mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài rất đa dạng, đòi hỏi việc giải quyết và đánh giá phải thận trọng, chính xác.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, giảng viên Khoa đào tạo Thẩm phán, Học viện Tý pháp chia sẻ: “Kiên trì hòa giải, thuyết phục các bên liên quan đồng thuận thực hiện đúng pháp luật, giữ gìn đạo lý, tình cảm là một phương châm công tác hàng đầu trong giải quyết các vụ án dân sự, trong đó có án hôn nhân gia đình. Chính vì vậy, việc hòa giải không chỉ được các Thẩm phán quan tâm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà còn tiếp tục được kiên trì thuyết phục ngay cả khi phiên tòa đã được mở”. Sự lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với các đương sự của các Thẩm phán đã giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn mâu thuẫn, qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật, biết chủ động tuân theo pháp luật và đạo lý để tự bảo vệ bản thân và hạnh phúc gia đình.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “vá lành” sự rạn nứt gia đình