Pháp vừa thông qua luật mới cấm việc sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn và yêu cầu về sau tất cả bát đĩa sử dụng một lần nên được sản xuất từ các nguyên liệu có thể phân hủy được.
Đạo luật trên nằm trong kế hoạch "Chuyển đổi năng lượng cho sự tăng trưởng Xanh", dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Đạo luật này đang nhận được sự hoan nghênh từ nhiều người ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế Xanh, trong đó một số người còn kêu gọi chính phủ cho thi hành luật này sớm hơn vào năm 2017.
Tuy nhiên, luật mới đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà sản xuất bao bì nhựa. Cụ thể, Tổ chức Pack2Go Europe có trụ sở tại Brussels (Bỉ), đại diện cho các nhà sản xuất bao bì châu Âu, cho rằng các biện pháp mới là "hết sức vô lý". Tổng thư ký tổ chức này, ông Eamonn Bates đã kêu gọi Uỷ ban châu Âu (EC) có hành động pháp lý phù hợp để chống lại đạo luật trên của Pháp vì đã vi phạm luật pháp châu Âu, đồng thời cáo buộc lệnh cấm của Pháp vi phạm quy định lưu thông hàng hóa tự do trong Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Môi trường Pháp ban đầu cũng lưỡng lự về lệnh cấm trên vì lo ngại động thái này có thể làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, vốn thường xuyên phải sử dụng các bộ đồ ăn bằng nhựa.
Đầu năm nay, Pháp đã cấm sử dụng túi nilông tại các siêu thị và cửa hàng. Đây không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới tuyên bố phản đối sử dụng các sản phẩm bằng nhựa - vốn được coi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Hiện một số bang tại Mỹ cũng đã cấm sử dụng túi ni lông tại các cửa hàng, trong khi tại Canada và hầu hết các vùng ở Anh, việc sử dụng túi ni lông buộc phải trả thêm tiền.