Do cổ phiếu này đã phá vỡ đỉnh cũ tháng 05/2012 nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng 7,100 – 7,500 hoặc phá vỡ hoàn toàn ngưỡng 8,400 (tương đương Fibonacci Retracement 261.8%).
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Vùng đỉnh cũ tháng 05/2012 đã bị phá vỡ. Vùng đỉnh cũ của tháng 05/2012 (tương đương vùng 7,100 – 7,500) đã bị phá vỡ hoàn toàn cho thấy đà tăng dài hạn đang ngày càng được củng cố.
Vùng này sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh nếu như giá sụt giảm mạnh trở lại trong thời gian tới do hiện tượng throwback.
Giá đang được hỗ trơ tốt từ Kumo của Ichimoku Kinko Hyo. Trong đợt điều chỉnh vào giai đọan tháng 12/2013 – tháng 01/2014, Kumo của Ichimoku Kinko Hyo đã hỗ trợ rất tốt và báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của giá sau đó.
Vì vậy, Kumo (tương đương vùng 4,900 – 5,200 và trùng với trendline trung hạn) sẽ tiếp tục là điểm tựa cho xu hướng tăng giá dài hạn của UDC.
Ngắn hạn: Thanh khoản giảm nhưng vẫn trên mức trung bình. Khối lượng khớp lệnh tuy giảm dần nhưng vẫn liên tục duy trì trên đường trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 310,000 đơn vị/phiên). Điều này cho thấy lực cầu vẫn duy trì rất tốt trong các phiên gần đây và rủi ro không quá lớn.
Stochastic Oscillator liên tục duy trì trong vùng overbought. Chỉ báo này đang duy trì mức khá cao trong vùng overbought và đã cho tín hiệu bán mạnh trở lại. Vì vậy, đà tăng có thể bị đảo ngược trong ngắn hạn và chuyển sang giằng co mạnh. .
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 4,400
• Ngưỡng 23.6% : 4,700
• Ngưỡng 38.2% : 4,900
• Ngưỡng 50.0% : 5,100
• Ngưỡng 61.8% : 5,300
• Ngưỡng 100.0%: 5,900
• Ngưỡng 161.8%: 6,800
• Ngưỡng 261.8%: 8,400
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã phá vỡ đỉnh cũ tháng 05/2012 nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể mua vào nếu giá test lại vùng 7,100 – 7,500 hoặc phá vỡ hoàn toàn ngưỡng 8,400 (tương đương Fibonacci Retracement 261.8%).
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Tổng doanh thu năm 2013 của UDC đạt gần 334 tỷ đồng, giảm 17.3% so với năm 2012. Điêm tích cực đó là tỷ lệ lãi gộp của UDC cải thiện đáng kể so với năm trước. Theo đó, tỷ lệ lãi gộp đã tăng từ 13.8% (năm 2012) lên 18.4% (năm 2013), giúp cho lợi nhuận gộp năm 2013 đạt 61.3 tỷ đồng và tăng 10.2% so với năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt gần 0.62 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 6.5 tỷ đồng năm 2012, do chi phí quản lý và chi phí bán hàng tăng mạnh. Chi phí bán hàng của UDC đã tăng gần gấp đôi so với năm trước lên 3.8 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý tăng 21% lên đến 37.5 tỷ đồng.
Chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2013. Năm 2013, UDC đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 630 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 39.3 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2013, UDC chỉ mới hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và chỉ hoàn thành 14.5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Hàng tồn kho tăng mạnh. Kỳ vọng từ Dự án Bàu Sen. Tổng giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2013 của UDC là 698 tỷ đồng, tăng gần 22.5% so với đầu năm. Theo BCTC hợp nhất soát xét 6T/2013, hàng tồn kho của UDC hiện tập trung chủ yếu ở Dự án chung cư Bàu Sen (góc đường Võ Thị Sáu và Hoàng Hoa Thám, Vũng Tàu) gần 480 tỷ đồng, chi phí sản xuất kinh doanh các công trình xây lắp 118 tỷ đồng.
Đối với Dự án chung cư Bàu Sen, UDC đang muốn chuyển nhượng cho đối tác khác hoặc chuyển sang dự án nhà ở xã hội nhằm thúc đẩy việc kinh doanh. Dự án Bàu Sen cũng là kỳ vọng mang lại doanh thu chính cho UDC trong năm 2014, nhưng có lẽ sẽ tiếp tục gặp khó khăn với tình hình bất động sản hiện tại.
Đang tiếp tục đầu tư Dự án Khách sạn Golf Phú Mỹ - Tân Thành. Hiện trong khoản mục tài sản cố định của UDC có mục chi phí xây dựng dở dang trị giá 283 tỷ đồng. Chi phí xây dựng dở dang của UDC chủ yếu tập trung ở dự án Khách sạn Golf Phú Mỹ - Tân Thành trị giá gần 254 tỷ đồng; trong năm 2013 UDC đã đầu tư thêm cho dự án này gần 20 tỷ đồng.
Cơ cấu lại nợ vay từ ngắn hạn sang dài hạn. Tổng giá trị vay nợ của UDC đến cuối năm 2013 là 594 tỷ đồng, giảm nhẹ 10 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tổng nợ vay ngắn hạn của là 172 tỷ đồng, đã giảm mạnh 45.2% so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, nợ vay dài hạn của UDC đã tăng mạnh 45.5% đạt 422 tỷ đồng. Có thể thấy, UDC đã cơ cấu lại các khoản nợ vay của mình từ ngắn hạn sang dài hạn.
Theo BCTC soát xét 6T/2013, các khoản vay nợ của UDC được tài trợ chủ yếu từ NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, BID, VCB, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.
Sẽ tiếp tục chuyển nhượng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động. Năm 2013, UDC đã chuyển nhượng toàn bộ 3.24 triệu cp CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam với giá 10,000 đồng/cp. Mặc dù không mang lại lợi nhuận về mặt tài chính nhưng nó đã giúp UDC bổ sung thêm nguồn vốn hoạt động. Theo kế hoạch năm 2014, UDC cũng đang cơ cấu và thoái vốn đầu tư tại CTCP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu và CTCP Du lịch Việt Nam.
Ưu thế từ cơ cấu sở hữu khi chuyển hướng sang mảng Xây dựng cơ bản. Hiện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang là cổ đông lớn nhất của UDC với tỷ lệ 67.69%. Điều này có thể sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho UDC trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt khi UDC đang có ý định chuyển hướng sang mảng thi công công trình và xây dựng cơ bản.
Giao dịch và Định giá. Cổ phiếu UDC đã bật tăng mạnh trong vòng một tháng qua và thu hút sự chú ý của dòng tiền đầu cơ vào nhóm cổ phiếu penny bất chấp kết quả kinh doanh sụt giảm. UDC hiện đang giao dịch ở mức P/E 276 lần và P/B 0.46 lần với khối lượng giao dịch trung bình phiên 52 tuần đạt 101 ngàn đơn vị.
Bảng: Kết quả kinh doanh theo quý và Chỉ số tài chính tóm tắt của UDC (Nguồn: VietstockFinance)
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh (Phòng Nghiên cứu Vietstock)