Phân khúc nhà cho Việt kiều và người nước ngoài còn nhiều thách thức

Văn Vũ| 16/09/2015 15:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hơn hai tháng, Luật Nhà ở năm 2014 đi vào cuộc sống tạo động lực cho địa ốc Việt Nam khởi sắc, thu hút được rất nhiều Việt kiều và người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, để đáp ứng cho phân khúc cao cấp này vẫn còn nhiều điều cần phải làm…

Cơ hội…

Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015, đã có những quy định thông thoáng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh, những sửa đổi mới này không chỉ phù hợp với xu thế hội nhập mà còn tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bởi khi được sở hữu nhà, người nước ngoài đầu tư, làm ăn ở nước ta sẽ yên tâm gắn bó lâu dài, chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp thị trường bất động sản (BĐS) có thêm nguồn cầu rất lớn. Bên cạnh đó, nó còn giải bài toán tồn tại lịch sử lâu nay về việc Việt kiều, người nước ngoài nhờ người trong nước đứng tên giùm mua nhà. Từ nay, những tranh chấp về các quan hệ này sẽ không còn tồn tại.

Phân khúc nhà cho Việt kiều và người nước ngoài còn nhiều thách thức

Ảnh minh họa

Còn Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, luật cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở VN là chính sách tuyệt vời. Trong số 4,5 triệu Việt kiều sinh sống ở nước ngoài thì có khoảng 500.000 - 1 triệu người muốn về nước sinh sống, hưởng tuổi già nơi “chôn rau cắt rốn”. Giá nhà ở Việt Nam tương đối rẻ so với các nước trên thế giới, còn Việt kiều có thu nhập ngày càng cao. Do đó, từ nay đến cuối năm thị trường BĐS sẽ “ấm lên” và đây là lĩnh vực đầu tư tốt, sinh lời, an toàn.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, phân khúc nhà ở cho Việt kiều, người nước ngoài tại Việt Nam là đầy tiềm năng nhưng nhu cầu đáp ứng cho phân khúc này quá ít so với nhu cầu của đối tượng khách hàng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 là 5,49 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh BĐS tiếp tục đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư. Đây là những con số được đánh giá là sẽ tạo thêm lực đẩy cho thị trường BĐS, nhất là trong nửa cuối năm 2015.

Nắm bắt cơ hội địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là nơi có người nước ngoài và Việt kiều sinh sống, làm việc đông đảo nhất, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đã tung ra thị trường nhiều loại hình sản phẩm đón đầu chính sách mới. Theo đó, Vingroup chào bán sản phẩm từ dự án Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh. Công ty Đại Quang Minh mở bán căn hộ của khu đô thị Sala, quận 2. Tập đoàn Novaland lập tức hưởng ứng chủ trương này bằng chương trình “100 Căn hộ đầu tiên chào đón Kiều bào và người nước ngoài”.

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết: “Để đón dòng vốn ngoại đang ồ ạt chảy vào bất động sản, từ nay đến năm 2018 Công ty sẽ triển khai thêm 4 dự án tại Nam Sài Gòn, với tổng số khoảng 4.000 căn hộ cao cấp và tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. Những căn hộ này hướng đến đối tượng khách hàng trung cao cấp, người nước ngoài và Việt kiều”.

…Thách thức

Chính sách về nhà ở dành cho Việt kiều và người nước ngoài đã thổi một làn gió mới vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được lượng khách hàng không hề đơn giản. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cảnh báo: Các công ty BĐS cũng không nên xem các văn bản pháp luật mới là “chìa khoá thần kỳ” đủ sức tạo nên một thị trường giao dịch sống động nếu không nhận diện nhỏ nhu cầu của nhóm đối tượng này bao gồm nhu cầu, khả năng và tính chất sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPĐT & KD Nhà Khang Điền cho biết: Qua các khảo sát lấy ý kiến khách hàng của công ty cho thấy, những người nước ngoài sống ở Việt Nam hoặc Việt kiều về nước có nhu cầu mua nhà ở đều rất quan tâm đến vấn đề cảnh quan môi trường. Đó dường như được coi là “cánh cổng” đầu tiên để chào đón đối tượng này. Quan trọng nhất là phải thỏa mãn nhu cầu khá khắt khe của đối tượng này, họ đã quen sống trong môi trường trong lành, an ninh, với tiêu chí “nhà rộng, có sân vườn, tiện ích nội khu, an ninh tuyệt đối, tất cả trong một”.

Đồng quan điểm, ông Robert Trần, Việt kiều Canada, chuyên gia tư vấn chiến lược lưu ý rằng, các doanh nghiệp BĐS khi hướng đến thị trường này còn phải biết thói quen của người nước ngoài và Việt kiều thường mua nhà theo kiểu “chìa khóa trao tay” cũng như những tiện ích, dịch vụ mà dự án mang lại khi họ sinh sống. Nên chăng, các doanh nghiệp BĐS nên có sự hợp tác với các tập đoàn có uy tín, thương hiệu chuyên về quản trị để lấp vào chỗ trống này.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ kinh nghiệm, thói quen của người nước ngoài và Việt kiều là hiếm khi sử dụng số tiền tiết kiệm để mua nhà. Phần lớn họ mua nhà bằng khoản tiền vay ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng khi cho vay luôn đòi phải có bảo hiểm quyền sở hữu BĐS. Đây là một trong những điểm mà doanh nghiệp BĐS cần lưu ý khi chào bán sản phẩm cho những khách hàng này.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp Hồ Chí Minh nói vui rằng, người nước ngoài và Việt kiều không phải là “ông thần tài vui tính” dễ dàng vung tiền ra mua nhà mà không hề tính toán. Trái lại, họ là những khách hàng rất kỹ tính.

Đặc biệt, các chuyên gia còn cánh báo với phương thức kinh doanh theo kiểu “hợp tác đầu tư” như hiện nay của một số doanh nghiệp đang làm sẽ khó thu hút được những khách hàng khó tính này.

Giá trị hàng tồn kho bất động sản đang giảm. Cuối tháng 8/2015, lượng BĐS tồn kho cả nước còn khoảng 60.299 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 74.000 tỷ hồi đầu năm 2015 và giảm hơn 68.000 tỷ so với thời điểm cuối 2012. Trong số này, tồn kho căn hộ chung cư là 11.693 căn, tương đương 17.972 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 8.641 căn, tương đương 14.998 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là 7.081.554 m2, tương đương 22.784 tỷ đồng và tồn kho đất nền thương mại là 1.637.782 m2, tương đương 4.545 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân khúc nhà cho Việt kiều và người nước ngoài còn nhiều thách thức