Phẩm chất của người Thẩm phán TAND

TS Luật học, luật sư Đỗ Ngọc Hải| 13/09/2020 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Ngoài kiến thức chuyên môn, người Thẩm phán cần phải đáp ứng được những chuẩn mực về tính độc lập, khoan dung, sự liêm chính, tận tụy trong từng công việc.

Phẩm chất của người Thẩm phán TAND

Thẩm phán phải “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng

Với vai trò là trung tâm của hệ thống tư pháp, trong những năm qua TAND đã có nhiều đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người Thẩm phán.

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, đòi hỏi các Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức, thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

TANDTC đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Nội dung Bộ Quy tắc nhấn mạnh, Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Đồng thời, Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ. Về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán, Bộ Quy tắc cũng nêu rõ: Thẩm phán phải có tính độc lập; sự liêm chính; sự vô tư, khách quan; công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; đồng thời phải là người có năng lực và sự chuyên cần.

Có thể thấy, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý, quan trọng nhưng trọng trách cũng nặng nề. Người Thẩm phán là người tri thức; là người sử dụng pháp luật liên quan tới số phận con người, là người làm cho nhân dân tin vào pháp luật của Nhà nước. Người Thẩm phán có tố chất bình tĩnh, phán đoán nhanh, biết đặt câu hỏi vào tình huống bất ngờ, sơ hở của kẻ phạm tội, kết luận chính xác, chặt chẽ.

Là người tri thức, vì thế người Thẩm phán phải làm gương cho nhân dân trong mọi việc, đó là: Tác phong làm việc, thái độ ứng xử với dân dù họ là kẻ phạm tội; nghệ thuật ăn nói trong quá trình xét xử; thông qua người Thẩm phán  người dân có niềm tin vào pháp luật của Nhà nước. Tác phong người Thẩm phán  cần chuyên nghiệp: Ăn mặc, đi đứng, nói năng, kỹ năng xét xử, thái độ lịch thiệp cần mẫn…Tất cả những yếu tố trên là văn hóa, tri thức của người Thẩm phán .

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có đức, có tài. Mọi tiêu chí đều quy về đức và tài. Vậy, đức người Thẩm phán cụ thể là đâu? Đó là quyết tâm bảo vệ công lý, nhìn nhận sự việc khách quan, toàn diện, có tác phong cách thức làm việc để người dân yên tâm tin tưởng rằng mọi quyền và lợi ích  của họ được pháp luật bảo vệ bình đẳng. Thông qua xét xử, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được truyền tải tới nhân dân cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn. Những hành vi tiêu cực không thể có trong những người Thẩm phán, vì họ là cán bộ, công chức  nhân danh quyền lực Nhà nước. Cùng với cơ quan tố tụng, người tham gia tố tụng làm cho vụ án tới chân lý khách quan, đó là: Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đức của người Thẩm phán thể hiện ở “tinh thần đoàn kết” như Bác Hồ dạy, nghĩa là công việc phải tinh thông,  nhanh, chính xác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đức của người Thẩm phán là vấn đề ở đời, làm người, tức là việc làm của người thẩm phán lưu lại rất lâu trong đời sống con người, có thể cả một đời người, qua xét xử người phạm tội có thể tốt lên, cũng có thể hỏng cả đời người.

Tài của người Thẩm phán  đó là: Áp dụng pháp luật nhuần nhuyễn không cứng nhắc, không để lọt người người tội, không để oan sai, án bị cải sửa tới mức mức thấp nhất, khi kết thúc vụ án, tuyên án khiến người phạm tội phải tâm phục, được mọi người nể trọng, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hồ Chí Minh từng nói: Trong những nhiệm vụ chung… tư pháp cần góp phần thực hiện chế độ pháp trị. Người Thẩm phán  phải phụng công thủ pháp. Nghĩa là: Góp phần thực hiện nguyên tắc Hiến định: Quản lý Nhà nước bằng pháp luật, theo pháp luật.

Người Thẩm phán phải “phụng công thủ pháp”

Trước tòa, người Thẩm phán căn cứ vào pháp luật để xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Song tính khoan dung người Thẩm phán phải có tình thương người phạm tội. Đây là hai mặt của một vấn đề. Vì, một bên là pháp luật công minh, đúng khung hình phạt, một bên là tình thương, song đúng pháp luật là tình thương cao cả nhất. Tội do kẻ phạm tội gây ra có khi là chủ động, có khi là bị động, có khi do tự mình, có khi do hoàn cảnh. Tội đến đâu phải chịu hình phạt đến đó. Nhờ tình thương của người Thẩm phán chúng ta mới thấy được kẻ phạm tội có lòng tự trọng hay không? Còn biết xấu hổ hay không? Còn tự trọng, còn xấu hổ tức là còn cải tạo được. Thông qua người Thẩm phán chân chính, bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa là dùng luật để cứu người, để ngăn ngừa, giáo dục là chủ yếu.

Tính khoan dung của người Thẩm phán rất có lợi cho chế độ, cho Nhà nước, vì: Dung nạp được người phạm tội. Nghĩa là người bị coi là có tội nhờ khoan dung, nhanh hối cải, phục pháp luật, chế độ; người phạm tội cảm thấy an tâm, vì, ở chế độ xã hội chủ nghĩa ngay đối với kẻ phạm tội đâu chỉ là hình phạt. Người được khoan dung tự họ sẽ kể về pháp luật, về chế độ Nhà nước ta, thông qua họ là một nhân tố tuyên truyền, phổ biến pháp luật; người phạm tội luôn cảm thấy biết ơn chế độ và Nhà nước, vì thế làm tốt hơn và chính họ có lúc giúp đỡ lại Nhà nước được nhiều việc.

Điểm cuối cùng,  người Thẩm phán có bản lĩnh vững vàng để thực hiện nguyên tắc: Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc trên được quy định từ Hiến pháp năm 1946, tiếp đến Hiến pháp năm 1959, 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Chính nguyên tắc này góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ được lẽ phải, công bằng cho nhân dân.

Người Thẩm phán cần có bản lĩnh để thực hiện tốt nguyên tắc này cần tuân theo các nội dung sau: Khi xét xử dựa trên những chứng cứ khách quan, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm; không bị chi phối tác động, sức ép của bất cứ cơ quan hay cá nhân nào; bản thân người Thẩm phán có bản lĩnh tốt là độc lập với chính những người trong hội đồng xét xử như đồng nghiệp; Hội thẩm nhân dân..; không phụ thuộc vào sự gợi ý của Tòa án cấp trên; quyết định bản án độc lập chỉ căn cứ vào pháp luật.

Người Thẩm phán có bản lĩnh thông qua xét xử để làm cho pháp luật sáng tỏ hơn, rõ hơn. Nhờ tuân theo pháp luật mà người Thẩm phán độc lập, nhờ pháp luật mà người Thẩm phán chống lại được, ngăn được sự thẩm thấu từ bên ngoài vào.

Song người Thẩm phán cần loại trừ tính độc lập tuyệt đối, tức là vượt ra ngoài phạm vi pháp luật, bất chấp phát luật, vượt quyền, vi phạm quyền. Độc lập của người Thẩm phán không được tách rời đường lối chính sách của Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng đề ra đường lối, chính sách, pháp luật là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Khoản 1 Điều 5 Luật Cán bộ, công chức (2010): “Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức”, nguyên tắc thứ nhất trong 5 nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức ghi rõ: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước. Nghĩa vụ của cán bộ công chức, Khoản 1 Điều 8 “Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân”: Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia. Như vậy, người Thẩm phán trung thành, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tức là thông qua xét xử không được xa rời, không được trái với những quan điểm, đường lối trong nghị quyết của Đảng đề ra.

Người Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, góp phần làm cho tòa án công minh. Một tòa án công minh là tòa án: Đào mãi tới chân lý khách quan, tức là cái chân lý chính xác, phù hợp với các yếu tố hiện thực của điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị - xã hội của nước ta.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Người Thẩm phán là những cán bộ, công chức giỏi của tòa án. Nhiệm vụ của Thẩm phán là những người phụ trách thi hành pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, đây là công việc hết sức nặng nề, phức tạp song cũng rất vẻ vang.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẩm chất của người Thẩm phán TAND