Sáng nay 27/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận về Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, từ 1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu cơ chế hiệu quả bảo vệ trẻ em
Thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ, qua nghe báo cáo giám sát, ông cảm thấy buồn, còn qua tiếp xúc cử tri ai cũng bức xúc, mong muốn sớm bắt giữ, xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em. Đáng nói, đối tượng xâm hại trẻ lại là bố mẹ, là ông nội, cha ruột xâm hại con gái... rồi bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi dã man, tàn khốc, thời gian kéo dài.
ĐB Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận
Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em kêu cứu trong tuyệt vọng mà chưa được hồi đáp, liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác lại tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ sức xử lý, răn đe. Những tổn thương về thể chất có thể đong đếm, nhưng tổn thương tinh thần mãi mãi còn trong lại trong ký ức lâu dài của trẻ, có thể làm cho trẻ suy sụp”, đại biểu bày tỏ.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận định: Có những hành vi lôi kéo, xúi giục của người lớn đối với trẻ em như lừa đảo, cờ bạc… là khởi nguồn tạo ra những con nghiện, con bạc, người phạm tội sau này. Quá trình từ nạn nhân trở thành người phạm tội thì liệu ai có thể khẳng định rằng những em này không lôi kéo, dụ dỗ các em khác vào con đường xấu. Tình trạng này gây ra những hệ lụy lớn không chỉ cho chính các em mà cho cả nhà trường, xã hội và gia đình.
Nguyên nhân là Luật Trẻ em chưa coi những hành vi này của người lớn là hành vi xâm hại trẻ em nên chưa có giải pháp xử lý một cách nghiêm túc. Qua giám sát thấy rằng, không có địa phương nào có giải pháp phòng chống hành vi này của người lớn.
Tiếp đến là trách nhiệm của chính các Chủ tịch UBND cấp xã trong thi hành xử lý vi phạm hành chính. Bởi lẽ tại các điều từ 89 - 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định 4 biện pháp xử lý vi phạm hành chính; từ Điều 97 – 105 thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền trực tiếp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp còn lại.
Tuy nhiên, thực tế các hành vi vi phạm của cả người lớn lẫn trẻ em đều xảy ra ở một địa chỉ xác định nhưng đội ngũ Chủ tịch UBND cấp xã không làm hoặc làm không hết trách nhiệm. Lý do có thể là thiếu trách nhiệm, hoặc cố tình không xử lý hành vi vì người thực hiện hành vi vi phạm có thể là con cháu, anh em của các vị này.
Nhiều ý kiến cũng nhận định, những số liệu này chưa phản ánh hết thực tế đang diễn ra. Công tác phòng chống xâm hại trên môi trường mạng còn có những vấn đề cần lưu ý như: Các quy định pháp lý bảo vệ trẻ em lĩnh vực này còn yếu, vai trò, hiệu quả chưa cao trong viêc xử lý, can thiệp quản lý về truyền thông, gia đình nhà trường xã hội, doanh nghiệp kinh doanh mạng...
Các cơ quan truyền thông ban đầu nhằm kêu gọi sự quan tâm, lên tiếng có trách nhiệm của các ngành chức năng bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đôi khi tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh vô hình chung làm tổn thương thêm các em... Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xây dựng chiến lược dài hạn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cần trang bị kỹ năng xử lý vụ việc liên quan đến trẻ em
Về những giải pháp khả thi trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý, ngăn chặn loại tội phạm này. ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tuyên truyền, đề nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng, bổ sung hình phạt với tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, mở rộng hình thức phạt như “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh hồ sơ lý lịch để răn đe kẻ xâm hại, tránh xu hướng tái phạm. Nếu áp dụng hình thức thiến hóa học, thì ít nhất sẽ giảm 50% tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, đại biểu cho biết.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Theo ĐB, qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và thực tiễn xử lý, xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Đưa ra những biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đáp ứng yêu cầu mong muốn của trẻ em và thiếu nhi hiện nay và sự mong chờ của toàn xã hội.
Qua giám sát, Đoàn ĐBQH Quảng Bình rất ghi nhận những nỗ lực, phối hợp của lực lượng Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh trong việc phát hiện, truy tố, xét xử, sớm ngăn chặn, cảnh báo, hạn chế tối đa việc xâm hại trẻ em, nhờ đó mà số lượng vi phạm ở tỉnh Quảng Bình rất ít so với các tỉnh trong cả nước.
ĐB cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần áp dụng đó là nhiều quy định về tội ấu dâm chưa rõ ràng; chưa có Phòng xử án thân thiện và cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, cũng như sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân.
Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại. Cần có sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ và có thể ghi hình để sử dụng làm chứng cứ trước khi Tòa xét xử.
Đặc biệt là phải bố trí các phòng xử án thân thiện, đảm bảo việc bí mật hình ảnh, danh tính cho trẻ em; Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm viên, Thẩm phán kiến thức để làm việc với trẻ em trong quá trình xử lý vụ án; Bổ sung trong Luật Giám định tư pháp về giám định tư pháp về xâm hại trẻ em là loại hình đặc biệt và cần phải được hết sức quan tâm.