Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc kiểm tra tiến độ các công trình dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong đó có dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Phải lưu ý công tác thu phí các qua trạm BOT
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc quá trình triển khai; Có sự lúng túng trong sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc xác định tổng mức đầu tư điều chỉnh cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án, đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các Bộ, ngành và cả hệ thống chính trị tại địa phương. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với 20 triệu đồng bào tại ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm thông xe vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 cần phải có giải pháp tổng thể, cũng như giải pháp cụ thể để xử lý những vấn đề đặt ra, đặc biệt là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, với tinh thần "Đảm bảo tiến độ - Đảm bảo chất lượng - Đảm bảo hiệu quả - Không tham nhũng tiêu cực", công khai minh bạch và an toàn công trình.
Thông báo kết luận nêu rõ, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, vướng mắc; điều này đòi hỏi Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục sát sao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là đề ra các giải pháp để kịp thời xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trong vùng.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đang chậm tiến độ
Về phương án quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2760/VPCP-CN ngày 25/9/2019. Trong đó lưu ý làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án cũng như thẩm quyền quyết định các vấn đề có liên quan, nhất là công tác thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí. Đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Dự án (văn bản số 8716/VPCP-KTTH ngày 26/ 9/2019). Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai dự án này. Vì vậy, yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo sát sao đối với dự án, để kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm đàm phán để ký lại hợp đồng tín dụng cho dự án, sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại không đặt thêm các điều kiện khác với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư, làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Đối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm khởi công Dự án trong quý I năm 2020. Còn dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục thành phần cầu chính, bảo đảm khởi công trong Quý I năm 2020, phấn đấu hoàn thành, đưa Dự án vào sử dụng đồng bộ với tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cũng liên quan đến các dự án BOT, Chính phủ vừa có chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về khung giá đất trình Chính phủ ban hành. Đối với cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng Nghị định này là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất đảm bảo phù hợp với thực tế để UBND cấp tỉnh kịp thời xây dựng và công bố bảng giá đất vào ngày 1/1/2020 theo quy định của Luật Đất đai.
Kiểm soát lạm phát bình quân từ 3,3 - 3,5% năm 2019
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa mới diễn ra đã có kết luận về vấn đề này.
Trước đó, tại buổi họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành giá quý III/2019, đồng thời dự báo và định hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019, sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận: Trong quý III/2019, các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ tổng hợp (Bộ Kể hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các bộ chuyên ngành trong công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, làm tốt công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin về giá.
Qua đó góp phần kiểm soát tốc độ tăng CPI các tháng so với tháng trước thấp hơn dự báo, trong đó CPI tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%; tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.
Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%.
Về phương hướng điều hành cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.
Bộ Công thương chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn hiện nay; phối hợp với các Bộ, ngành có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát tình hình nhập khẩu... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%... Phó Thủ tướng nhấn mạnh.