Có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh là người có tầm nhìn xa, thức thời, mẫn thế, quyết không vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái hại lâu dài cho đất nước.
Hay tin ông Nguyễn Bá Thanh vừa ra đi, đi về cõi vĩnh hằng, để lại thương tiếc cho nhiều người, tôi bỗng nhớ…
Trong một một cuộc họp tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - người đứng đầu thành phố này cho biết: ông đã từ chối cả tỷ đô la hai dự án đầu tư vào Đà Nẵng vì hai dự án này có thể gây hại đến môi trường, đến chủ trương xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Đó là dự án xây dựng nhà máy thép và nhà máy sản xuất bột giấy.
Ông nói về thành phố đang thực hiện chủ trương “5 không”: Không vứt rác ra đường, không có người ăn xin, không có cảnh đánh nhau, cướp giật, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng (con nghiện sẽ tập trung vào các trại cai nghiện)…
Quả thực, đến Đà Nẵng, ta thấy những điều ông Nguyễn Bá Thanh nói là đúng.
Trên tờ báo của thành phố ra đúng ngày hội nghị, tôi chú ý đến một bài báo của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Đà Nẵng nói về quyết tâm xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp này.
Có một cụm từ hơi lạ, nhưng làm tôi thích thú. Ông Tuấn viết: Đà Nẵng đang làm tất cả vì một “Thành phố đáng sống” .
Phải chăng chúng ta đang ở trong nhiều thành phố, nhiều vùng quê “Phải sống”, chứ chưa phải là những nơi “Đáng sống”?!
Nhưng trong bài báo này tôi chưa muốn nói nhiều đến ông Nguyễn Bá Thanh, người nổi tiếng với những việc làm táo bạo, mới mẻ, có hiệu quả, nhiều khi “chẳng giống ai” đã được báo chí và dư luận rất quan tâm. Tôi chỉ muốn nói đến vấn đề đầu tư vào Việt Nam như thế nào?
Có lần, trò chuyện với nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, ông nói: Bây giờ chúng ta phải chọn nhà đầu tư chứ không phải cứ để nhà đầu tư chọn chúng ta.
Chí lý!
Nhưng không phải tận bây giờ, mà để đất nước chúng ta phát triển bền vững, ngay từ khi chúng ta mở cửa, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta phải kiên quyết chọn nhà đầu tư như ông Nguyễn Bá Thanh đã làm.
Hẳn có người sẽ nói rằng, muốn phát triển mà không muốn trả giá là ảo tưởng! Vấn đề là cái giá phải trả đó là giá nào? Thế hệ mai sau có chấp nhận được không?.
Chúng ta có thể trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư vào Việt Nam, tạo mọi điều kiện cho họ về pháp lý, về xã hội, về an ninh, về mọi điều mà pháp luật cho phép. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những nhà đầu tư mang những thứ có thể gây hại lâu dài về môi trường, về an ninh cho đất nước. Nên chăng, thảm đỏ của chúng ta chỉ đón những “bàn chân sạch”?
Ai cũng biết rằng, vấn đề môi trường đang là vấn đề sống còn của nhân loại. Tàn phá môi trường là tàn hại chính chúng ta. Nhưng vì cái lợi trước mắt mà con người nhiều khi còn nhắm mắt làm ngơ.
Nhiều khi còn cảm thấy chuyện bảo vệ môi trường sống là chuyện ở đâu đâu, chưa liên quan trực tiếp đến mình, như chuyện “cái làng Vũ Đại” trong tác phẩm của Nam Cao: “Ai cũng nghĩ cái thằng Chí Phèo nó chửi cả làng chứ nó có chửi mình đâu!”.
Có một thực tế là hiện nay nhiều nước văn minh, phát triển, có một số ngành họ không muốn, hoặc bị cấm đầu tư xây dựng trong nước, đó là những ngành có nguy hại đến môi trường như sản xuất hóa chất, giấy, sắt thép, xi măng, sửa chữa tàu biển, kể cả việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Vừa rồi, Đài Truyền hình Việt Nam nói đến thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc ô nhiễm rất nghiêm trọng và chính quyền ở đây khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Thông báo của Bắc Kinh cũng chỉ rõ: Ô nhiễm ở đây là do sử dụng quá nhiều than đá …
Nếu không tính toán cẩn trọng, nếu đầu tư ồ ạt ở nước ta những lĩnh vực này, thì hậu quả lâu dài về môi trường sống là khôn lường, không gì bù đắp được .
Có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh là người có tầm nhìn xa, thức thời, mẫn thế, quyết không vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái hại lâu dài cho đất nước.
Ông đã làm được một việc đúng đắn và quả cảm: Từ chối cả tỷ đô la vì môi trường sống của người dân, vì một thành phố ĐÁNG SỐNG!