Doanh nghiệp - Doanh nhân

"Ông lớn" ngành dệt may Vinatex bội thu nhờ đón đơn hàng từ Bangladesh, Myanmar

Trang Nguyễn 01/11/2024 12:36

Những biến động tại các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar đã tạo ra cơ hội cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kinh doanh bội thu, với hơn 12.542 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi hơn 400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) mang về gần 4.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ, giúp lợi nhuận gộp của "anh cả" ngành dệt may tăng mạnh 24%, đạt 510 tỷ đồng. Trong quý này, chi phí tài chính của Vinatex giảm mạnh tới 69% còn 63 tỷ đồng, bù đắp cho sự gia tăng 19% trong chi phí bán hàng và 30% trong chi phí quản lý doanh nghiệp.

nganh-det-may.jpg
Vinatex khẳng định vị trí "anh cả" trong ngành dệt may

Kết quả, Vinatex báo lãi sau thuế quý 3/2024 đạt 230 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất 2 năm qua của “ông lớn” ngành dệt may.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần tại Vinatex ghi nhận hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 100%, đạt 407 tỷ đồng.

Nếu so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua với doanh thu đạt 17.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đã thực hiện được 70% chỉ tiêu doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận sau 3 quý.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh thị trường chung hồi phục, với ngành may cải thiện cả về giá lẫn số lượng đơn hàng nhờ tận dụng sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Mặc dù ngành sợi vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, các đơn vị sợi thuộc Tập đoàn luôn bám sát thị trường và đã nhiều lần chốt được giá bông, sợi tốt.

Bangladesh hiện đang giữ vị trí là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, "thủ phủ may mặc" của thế giới này đang phải đối mặt với khủng hoảng do bất ổn chính trị.

Theo Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2024, bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững, "điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn".

Nửa đầu năm 2024, toàn ngành dệt may chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, nhưng sau đó, những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.

Lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vẫn đang đối mặt với tình hình khó khăn suốt 30 tháng trở lại đây.

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Vinatex đạt gần 19.100 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở hàng tồn kho hơn 3.000 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn gần 2.300 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng gần 600 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính đến cuối tháng 9/2024 ghi nhận hơn 9.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó nợ vay tài chính hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm 63% tỷ trọng là vay ngắn hạn.

Ở diễn biến liên quan, Tập đoàn Vinatex liên tục có động thái thoái vốn tại các công ty may trong thời gian gần đây theo đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Cuối tháng 9 vừa qua, HĐQT Vinatex đã có quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Dệt may Liên Phương (LPTex) - một thương hiệu lâu đời với hơn 60 năm hoạt động.

Vào tháng 8/2024, Vinatex cũng thông báo việc chào bán hơn 2,81 triệu cổ phần CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex) đang nắm giữ, tương ứng 25,7% vốn, cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phần. Thời gian triển khai từ quý 3/2024. Dự kiến Vinatex thu về tối thiểu 98 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.

Tháng 7/2024, Vinatex cũng thông báo về việc bán toàn bộ 100% vốn góp tại CTCP May Bình Minh (mã: BMG). Tập đoàn sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ 1,323 triệu cổ phiếu BMG mà tập đoàn đang sở hữu, tương đương 25% vốn điều lệ tại May Bình Minh với giá khởi điểm chào bán là 43.700 đồng/cổ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông lớn" ngành dệt may Vinatex bội thu nhờ đón đơn hàng từ Bangladesh, Myanmar